Trong thời gian tới, ngành cũng rà soát sắp xếp lại hệ thống trường, lớp để đảm bảo tập trung, hiệu quả trong bố trí nguồn lực, tiết kiệm giáo viên mà không ảnh hưởng đến quyền lợi người học. Tham mưu UBND tỉnh có cơ chế huy động xã hội hóa đảm bảo chi trả lương giáo viên đang thiếu theo định mức khi chưa bố trí đủ biên chế; Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường học hợp đồng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học theo chương trình GDPT.
Ngành mong muốn các cấp Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, bổ sung đủ biên chế giáo viên cho Nghệ An theo định mức quy định để đảm bảo đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Ông Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. |
Xuất phát điểm giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long khá thấp. Ngoài yếu tố lịch sử, vấn đề căn cốt là chưa làm tốt công tác đánh giá cơ cấu, phân bổ nguồn nhân lực để có quy hoạch, điều chỉnh đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế và sự tiến bộ của xã hội.
Bên cạnh đó, những “điểm nghẽn” của giáo dục có thể chỉ ra: Phân bổ nguồn lực đầu tư hạn chế, thiếu đồng bộ, giải pháp chưa đủ mạnh; nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách thiếu định hướng, thông tin đưa ra khuyến cáo không kịp thời. Dù tỉnh Cà Mau đã cố gắng, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai… nhưng tác dụng và hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, tỉnh Cà Mau cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các bậc học. Trong đó, thiếu trầm trọng giáo viên Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc bậc Tiểu học, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh và các môn tổ hợp bậc THCS, THPT.
Về giải pháp tháo gỡ, địa phương cần có chính sách đặt hàng, gắn liền với rà soát nhu cầu trước mắt và cho 5 - 10 năm tới. Chính sách đặt hàng nếu làm tốt chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi đi theo nghề Sư phạm. Vấn đề này, Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn giao cho địa phương và trường đại học tự phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục địa phương cần chú trọng công tác sắp xếp giáo viên, rà soát vị trí việc làm; khẩn trương thực hiện các đề án sắp xếp trường lớp, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các cơ sở giáo dục cần sớm xem xét, đặt hàng đội ngũ giáo viên đang thiếu để chủ động trong công tác giảng dạy…
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè (Lai Châu). |
Để chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đã lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, cử tham gia Hội thảo giới thiệu SGK mới… Đồng thời, Phòng thành lập Ban Chỉ đạo bồi dưỡng cốt cán Chương trình GDPT mới, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia tập huấn do Bộ và Sở GD&ĐT tổ chức. Đội ngũ cốt cán tiếp tục triển khai tập huấn cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên để nắm bắt chương trình trước khi bắt đầu năm học mới…
Tuy nhiên, đối với một huyện vùng cao, biên giới như Mường Tè, việc “giữ chân” giáo viên đang gặp không ít khó khăn. 5 năm qua, địa phương có gần 140 giáo viên chuyển vùng, trong đó 20 người xin thôi việc. Năm học 2022 - 2023, có tới 30 giáo viên xin chuyển vùng và thôi việc. Do đó, toàn huyện thiếu 126 giáo viên so với biên chế giao và thiếu hơn 160 người so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Dù đã nỗ lực, nhưng đầu năm học mới ngành Giáo dục huyện chỉ tuyển dụng được 38 giáo viên; số giáo viên còn thiếu tập trung ở cả 3 bậc học mầm non, TH và THCS.
Đặc biệt, tại huyện Mường Tè cũng thiếu nhiều biên chế giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học bậc tiểu học. Cụ thể, 15 trường có bậc tiểu học, nhưng môn Tiếng Anh chỉ có 9 biên chế (thiếu 10 giáo viên). Trong khi đó, môn Tin học chỉ 3 trường có giáo viên, 12 trường còn lại kiêm nhiệm.
Phòng GD&ĐT đã bố trí giáo viên bậc THCS giảng dạy kiêm nhiệm và dạy học trực tuyến đối với những trường có thể triển khai. Mặt khác, Phòng chỉ đạo nhà trường phối hợp với UBND các xã, thị trấn huy động học sinh lớp 3 về trung tâm học, hạn chế lớp ghép ở điểm bản...
Thời gian tới, Phòng GD&ĐT tiếp tục rà soát số giáo viên còn thiếu. Trên cơ sở đó, Phòng tham mưu xây dựng kế hoạch, thông báo tuyển dụng, hợp đồng giáo viên. Phòng cũng mong muốn có chế ưu tiên, đặc thù trong tuyển dụng giáo viên người địa phương để khuyến khích thầy cô gắn bó và cống hiến lâu dài với giáo dục vùng cao…