Cũng theo ThS Lê Thị Loan, quan điểm về vai trò của người dạy và người học trong các lớp học đã có nhiều thay đổi. Người dạy không phải là người toàn năng, toàn quyền trong việc định đoạt và truyền đạt kiến thức.
Vì thế vai trò của người thầy chuyển từ người cung cấp, truyền đạt, truyền dạy kiến thức cho người học sang vai trò dẫn dắt, hướng dẫn và tạo điều kiện cho học trò.
Các đại biểu, chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm. |
PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý GD&ĐT Trung ương I (nay là Học viện Quản lý giáo dục) – cho rằng, người thầy trong đổi mới giáo dục luôn phải tự nhủ: Thứ nhất, người học không phải là nhân tố để nhà trường cao đạo khi huấn luyện họ.
Thứ hai, người học không phải là con số thống kê lạnh lùng. Họ là người khao khát kiến thức, kỹ năng mà nhà trường có nhiệm vụ dẫn dắt họ chiếm lĩnh.
Thứ ba, người học đặt ra cho nhà trường những nguyện vọng về phát triển nhân cách. Nhiệm vụ của nhà trường là giúp họ hoàn thiện được các nguyện vọng.
Thứ tư, người học phải được đối xử ân cần khi đến trường, được hưởng các dịch vụ tốt nhất mà nhà trường có thể khai thác trong sự cộng tác với cộng đồng.
Theo GS.TS Phạm Quang Trung, ngày nay, vị trí của người thầy nói chung và giảng viên đại học nói riêng khác xa so với cách đây 10 năm và rất khác so với cách đây 50 -100 năm. Song dù xã hội có biến đổi như thế nào, thì người thầy vẫn luôn được tôn vinh, kính trọng.