Bùi Xương Trạch sinh năm 1451, mất năm 1529. Ông vốn là người làng Định Công, sau chuyển tới sinh sống tại làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (nay là phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội).
Không chỉ là người mở ra truyền thống hiếu học, khoa cử danh giá cho dòng họ Bùi làng Thịnh Liệt, Bùi Xương Trạch còn là vị thanh quan nổi tiếng đức độ, được người đương thời mười phần kính phục.
Bản đồ khởi lập thời Hồng Đức (1490) với Cửa Nam - Quảng Văn đình gắn với 'Quảng Văn đình ký' của Bùi Xương Trạch (ảnh tư liệu). |
Theo nguồn gia phả họ Bùi ở Giáp Nhị (Thịnh Liệt), họ Bùi ở làng này vốn là chi Bùi Phổ từ xã Cát Xuyên, phủ Hà Trung (Thanh Hóa), vào những năm cuối triều nhà Hồ (1400 - 1407) đã chuyển cư sang Quảng Công (sau đổi là Định Công), huyện Thanh Đàm (sau đổi là Thanh Trì).
Họ Bùi này sinh ra Tả Dụ công được ấn phong tước Diễn Phúc bá, chức Tả thị lang, rồi được thầy địa lý tìm cho ngôi đất đặt mộ ở làng Thịnh Liệt và khuyên chuyển cư sang đấy sẽ hưng phát.
Sang cư ngụ ở Giáp Nhị, Tả Dụ công kết duyên với Thục Tịnh nhà họ Cao, sinh được một gái hai trai, trong đó có Bùi Xương Trạch. Như vậy, Thanh Hóa là quê tổ, Định Công là quê gốc, Giáp Nhị là quê ngoại và là nơi khởi phát dòng họ Bùi.
Do việc chuyển cư và đặc biệt là 2 làng Giáp Nhị và Định Công cùng một huyện Thanh Trì, lại kề sát nhau nên có một số sách chép Bùi Xương Trạch là người làng Định Công.
Theo gia phả, thực ra Bùi Xương Trạch sinh tại Giáp Nhị năm 1451. Thuở thiếu thời, theo việc cấy cày mà Bùi Xương Trạch vẫn rất chăm học. Có giai thoại kể rằng, nhà nghèo quá ông phải đọc sách ban đêm bằng ánh sáng đom đóm.
Bùi Xương Trạch từ nhỏ đã ham học sách, làm thơ cho dù gia cảnh nghèo khó. Theo lệ tuyển binh của triều đình nên Bùi Xương Trạch cũng phải đăng lính và được xung vào đội lính cắt cỏ gánh lên Thăng Long để nuôi ngựa trong cung điện.
Một lần ông lên kinh, đúng vào đêm rằm tháng tám, đêm đó vua Lê Thánh Tông cùng một số quan đại thần bình thơ xướng họa thì trăng mờ vì có hiện tượng nguyệt thực; nhân cảnh này vua lấy đó làm đề truyền cho các quan làm thơ vịnh.
Khi biết về chuyện bình thơ, anh lính cắt cỏ cũng làm ngay một bài thơ chữ Nôm dâng lên. Vua Lê Thánh Tông, vị hoàng đế hiếu học và trọng nhân tài cũng không nề hà, phân biệt gì liền mở ra đọc ngay.
Bài thơ viết: Lượt là vằng vặc rạng tơ hào/ Phải mịt mù nay vị cớ bao/ Nhân bởi hắc vân ngất phủ/ Há rằng thỏ ngọc hay lao/ Hằng Nga lấy đấy làm rông vát/ Thục đế từ nay kẻo ước ao/ Mực rằng đêm nay chẳng thấy nguyệt/ Thu qua Đông đến quế càng cao.
Bài thơ tuy ngắn mà tả trọn cảnh đêm rằm tháng 8 có nguyệt thực lại gắn với một số tích truyện huyền thoại và đặc biệt ở câu kết nói lên sự lạc quan, tin tưởng chuyện không hay chỉ nhất thời, rồi những điều tốt đẹp vẫn đang ở phía trước, cố gắng vươn lên sẽ như “người bẻ quế” với ý đỗ đạt, thành công.
Vua Lê Thánh Tông đọc xong rất hài lòng bèn cho triệu vào ban khen ngợi, hỏi họ tên quê quán và truyền cho Bùi Xương Trạch được miễn mọi lao dịch, binh lực để về quê dành nhiều thời gian hơn cho việc học hành.
Đình làng Giáp Nhị. |
Khoa Mậu Tuất (1478), niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông, Bùi Xương Trạch tham gia thi thố tài năng và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Khi trường thi công bố kết quả, Bùi Xương Trạch có tên trên bảng vàng. Trong khi nhiều sĩ tử ở lại ngóng bảng thì lúc này Bùi Xương Trạch còn đang cày ruộng. Sự việc này khiến ông được mọi người trong làng thêm mười phần kính trọng.
Theo tư liệu từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Tuất có ghi: “Năm thứ 9 sau khi đổi niên hiệu Hồng Đức, quan bộ Lễ theo điển chế cũ, thi Hội các Cử nhân trong nước, chọn hạng trúng cách tất cả 62 người… Theo lệ tất cả đều được đề danh vào bia đá dựng ở nhà Thái học, nhưng Bộ Công chần chừ nên chưa dựng được. Bảy năm sau, đến năm Giáp Thìn, hoàng thượng xuống chiếu bảo phải truy dựng, sai thần là Đôn Phục soạn bài ký”.
Sau khi thi đỗ, vua Lê Thánh Tông cho bổ nhiệm Bùi Xương Trạch làm việc trong Viện Hàn lâm. Mùa Đông năm 1489, ông vâng mệnh đi sứ Trung Hoa. Năm 1493, ông vâng mệnh soạn bài ký đình Quảng Văn. Bài văn hay nổi tiếng, được vua Thánh Tông khen thưởng và còn được truyền lại đến nay.
Đến thời vua Lê Hiến Tông, ông được thăng làm Hiệu thư Đồng tác, rồi đổi sang làm Thiêm đô ngự sử, Thượng thư bộ Binh, Tế tửu Quốc Tử Giám coi việc tòa Kinh diên... cũng như Thượng thư Trưởng Lục bộ (tương đương như Tể tướng) kiêm Đô Ngự sử, và được vua phong tước Quảng Văn Hầu. Ông nổi tiếng là người thanh liêm, được nhiều người kính phục.
Năm 1520 thời Lê Cung Hoàng, ông đã 70 tuổi, bèn xin nghỉ hưu. Khi đó Mạc Đăng Dung đã khống chế triều đình nhà Lê và tới năm 1527 thì giành ngôi nhà Lê. Năm 1529 thời Mạc Thái Tổ, ông qua đời thọ 79 tuổi. Về sau nhà Lê trung hưng truy phong tặng ông chức Thái phó, tước Quảng Quốc công và tên hiệu là Văn Lượng.
Cuộc đời làm quan của Bùi Xương Trạch nổi tiếng thanh liêm, đức độ nên được người đời kính phục. Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú viết về Bùi Xương Trạch rằng: “Ông là người gặp thời ra làm quan, tự đảm nhận trách nhiệm kinh tế bang thế... Bổng lộc được bao nhiêu chia hết cho họ hàng, làng quê. Lòng tốt và danh vọng lớn của ông được người đời tôn phục...”.
Hậu duệ nhà khoa bảng Bùi Xương Trạch có nhiều người đỗ đạt, ghi danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám. |
Điều đáng nhớ nhất trong cuộc đời Bùi Xương Trạch là câu chuyện về tước hiệu của ông. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào tháng 10 năm Tân Hợi (1491) đời Lê Thánh Tông, “vua sai thợ làm cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong ban tên là Quảng Văn đình. Ngôi đình ấy ở trong Long thành, trước Phượng Lâu, có ngòi Ngân Câu vòng quanh hai bên”.
Sau đó vua sai Bùi Xương Trạch soạn bài văn bia cho ngôi đình này gọi là “Quảng Văn đình ký” ghi lại việc xây dựng và nói ý nghĩa của công trình này.
Bài ký viết xong được trình lên vua Lê Thánh Tông ngự duyệt, đọc xong hoàng đế đặc biệt khen thưởng liền lấy luôn tên của ngôi đình làm hiệu ban cho Bùi Xương Trạch tước Quảng Văn hầu.
Hổ phụ sinh hổ tử, con trai Bùi Xương Trạch là Bùi Vịnh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ nhị danh (Bảng nhãn) đời Mạc Đăng Dung, niên hiệu Đại Chính thứ 3 năm Nhâm Thìn (1532), làm quan tới chức Lại bộ Tả thị lang, tước Mai lĩnh hầu. Bùi Vịnh là một tác gia có tiếng để lại cho đời bài phú “Đế đô hình thắng” (chữ Hán) và bài phú “Cung trung bảo huấn” (chữ Nôm).
Cháu nội của Bùi Vịnh là Bùi Cầu đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định 20 đời Lê Kính Tông (1619), làm quan tới chức đề Hình giám sát Ngự sử.
Vị Tiến sĩ thứ tư của họ Bùi Giáp Nhị là Bùi Bỉnh Quân (1580 - 1630) là huyền tôn của Bùi Xương Trạch. Ông đỗ khoa Kỷ Mùi 1619 đời Lê Kính Tông, làm quan đến Phủ doãn Phụng Thiên, đến 1630 được cử đi sứ nhà Minh và qua đời trên đường đi sứ, được truy tặng chức Hữu Thị lang.
Dòng dõi của Bùi Xương Trạch về sau còn có Bùi Huy Bích (1744 - 1818), năm 26 tuổi đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769), đời Lê Hiến Tông, làm Đốc đồng Nghệ An thăng Hành tham tụng, tước kê liệt hầu, sau lại thăng Đồng binh chương sự kiêm tham tụng (Tể tướng), ông cố từ không nhận rồi cáo bệnh lui về quê nhà.
Ngoài ra họ hậu duệ Bùi Xuân Trạch còn có nhiều người tài cao danh lớn, như Bùi Bỉnh Uyên (1520 - 1613) là cháu Bùi Xương Trạch, con của Bùi Vịnh, đỗ Hương cống nhưng kỳ thi Hội vì có tang nên không đi thi.
Ông từng làm quan với nhà Mạc, nhưng năm Canh Tuất 1550 cùng bác là Bùi Trụ và bố vợ là Lê Bá Ly vào Thanh Hóa theo nhà Lê. Bùi Bỉnh Uyên làm quan đến chức Thượng thư Bộ binh, bộ Lễ, Tham tụng, tước Tiên Quận công.
Bùi Trụ, con trai của Bùi Xương Trạch chỉ đỗ Hương cống, nhưng sau làm quan đến Thượng thư bộ Hộ, được tặng Thái bảo, tước Kính Quốc công. Bùi Bỉnh Trục tức Bùi Trực (1730 - 1815) đỗ Hương cống, làm quan đến chức Tự thừa. Ông là tác gia nổi tiếng, để lại tác phẩm “Đản Trai trích đối” và “Đản Trai công thi tập”.
Về sau lại có Bùi Phổ (1776 - 1836) dự tuyển trúng cách năm 1802, được bổ Tri huyện Nghi Dương. Sau, ông làm đến chức Thượng thư bộ Hình, sung vào hiệu chính luật lệ và toản tu Thực Lục, sau khi mất được đưa bài vị thờ ở điện Hiền Lương.
Trong “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn ca ngợi dòng họ Bùi ở Giáp Nhị, Thịnh Liệt rằng: “Con cháu sinh sôi nảy nở, công danh sự nghiệp rạng rỡ vẻ vang. Từ đời Lê trung hưng bầy tôi kế thế, tộc thuộc lớn lao, nói đến nhà quý hiển nhất, chỉ có họ Bùi mà thôi”.