Vị Trạng nguyên trung nghĩa hết lòng phò tá vua Lê

Trần Hoà | 19/06/2023, 15:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đứng đầu 13 công thần tử tiết, Trạng nguyên Vũ Duệ xứng đáng là “bề tôi tiết nghĩa” một lòng vì vua và là tấm gương sáng cho muôn đời sau.

Khoa thi năm Canh Tuất 1490 thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Duệ tham gia dự thi và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ. Sử liệu ghi rằng: (Hạ tuần tháng 4), thi Điện, vua thân ra đầu đề vãn sách. Vua sai Thượng thư Binh bộ Định Công bá Trịnh Công Đán và Thượng thư Hình bộ Lê Năng Nhượng làm Đề điệu; Phó đô ngự sử Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm làm Giám thí; Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung và Thượng thư bộ Lại Nguyễn Bá Ký làm Độc quyển.

Vua xem quyển thi rồi xếp bậc cao thấp, cho Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ. Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, Đình Quát 32 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngày 18 tháng 5, vua ngự ở điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tân Tiến sĩ. Các quan mặc triều phục chúc mừng, bộ Lễ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 19 ban mũ đai y phục, ngày 20 ban yến cho các tân Tiến sĩ.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Vũ Duệ được triều đình bổ nhiệm chức Tham chính xứ Hải Dương, rồi dần thăng qua nhiều chức vụ quan trọng, như Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị Kinh diên, hàm Thiếu bảo, tước Trình Khê hầụ, và được ban phong là Trinh ý công thần.

Vũ Duệ tính cương trực thẳng thắn, được vua Lê rất tin dùng, các quan đồng triều ai cũng kính nể. Trong hơn 30 năm làm quan, Vũ Duệ đã phục vụ hơn 6 đời vua Lê: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông.

Khi Mạc Đăng Dung thao túng triều đình, lập bè kết đảng có ý nhòm ngó ngôi vua, nhiều kẻ xu nịnh vội ngả theo mong có được địa vị, bổng lộc. Riêng Vũ Duệ vẫn giữ khí tiết của kẻ sĩ, quyết trung thành với với vua Lê Chiêu Tông.

Bấy giờ vua Lê Chiêu Tông lo sợ thế lực của họ Mạc nên đến tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522) bí mật thoát khỏi Thăng Long chạy vào Thanh Hóa. Vũ Duệ cùng một số người theo hộ giá nhưng không kịp. Đến cửa biển Thần Phù không tìm được vua, ông treo ấn Ngự sử vào cổ, quay mặt về Lam Kinh bái lạy lăng miếu các vua Lê rồi tự tử để tỏ lòng trung nghĩa.

Trong mục Nhân vật chí sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết: “Năm Nhâm Ngọ (1522), Chiêu Tông phải vào Thanh Hoa, ông theo vua đến Lam Sơn, mặc áo mũ lạy lăng miếu rồi lui ra tự vẫn chết…”.

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: “Lại bộ Thượng thư Đông các đại học sĩ thị Kinh diên là Vũ Duệ và Lại bộ Thượng thư Ngô Hoán cùng với môn đồ là bọn Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo nhà vua, đến Thanh Hoa, đứt liên lạc, không biết nhà vua ở đâu. Họ đều hướng về lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng, rồi tự vẫn cả”.

Vị Trạng nguyên trung nghĩa hết lòng phò tá vua Lê ảnh 3
Tượng thờ Trạng nguyên Vũ Duệ.

Người trung nghĩa được phong thần

Sau này, nhà khoa bảng Hà Nhiệm Đại triều Mạc đã làm vịnh ca ngợi ông: Tuổi trẻ đỗ đầu các khoá thi/ Danh nho sự nghiệp thật là kỳ/ Trung, trinh Thiếu Bảo lòng như thép/ Không phụ Thuần Hoàng đoán tự xưa.

Tuy nhiên, các ghi chép về Vũ Duệ tự vẫn lại không đồng nhất. Trong “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” của vua Tự Đức ghi rằng, Vũ Duệ dùng dao đâm cổ tự tử. Còn một số nguồn tư liệu lại ghi Vũ Duệ và Nguyễn Mẫn Đốc đều lao đầu vào đá mà chết.

Về sau, khi nhà Lê trung hưng, triều đình cho lập đền thờ và phong Vũ Duệ làm Thượng đẳng phúc thần. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi: “Đời trung hưng lục và khen thưởng người tiết nghĩa, cho ông làm bậc nhất, truy phong phúc thần hạng trên, dựng đền cúng lễ”.

Tương truyền, khoảng 60 năm sau nhà Lê đánh đuổi họ Mạc, khôi phục Thăng Long, cho đúc lại ấn Ngự sử. Tuy nhiên, ấn đúc mãi không được mới nhớ đến chuyện Vũ Duệ đeo ấn nhảy xuống biển tự tử, bèn sai người lặn xuống cửa biển Thần Phù để tìm ấn cũ.

Vị Trạng nguyên trung nghĩa hết lòng phò tá vua Lê ảnh 4
Tương truyền, Vũ Duệ đã nhảy xuống cửa biển Thần Phù để tử tiết.

Người lặn xuống đã vô cùng kinh ngạc khi thấy Vũ Duệ vẫn mũ áo chỉnh tề, cổ đeo túi ấn, ngồi xếp bằng tròn ở dưới đáy biển như còn sống. Tin báo về triều, vua Lê lấy làm lạ cho rằng khí tinh anh của ông kết lại bèn sai làm lễ cúng bái rồi vớt xác khâm niệm trọng thể, đưa về làng Trịnh Xá an táng.

Đời vua Lê Huyền Tông, triều đình nhà Lê bàn công lao, xếp Vũ Duệ đứng đầu trong số 13 người công thần tử tiết. Vua xuống chiếu cho lập đền thờ và phong Vũ Duệ làm Thượng đẳng phúc thần. Ngôi đền thờ ông được gọi là “Trạng nguyên tiết nghĩa từ”.

Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ hiện tọa giữa làng Trình Xá. Trong đền có tấm biển khắc 4 chữ “Vương thất huân lao” do vua ban. Hàng năm, vào ngày 16/8 âm lịch đều diễn ra lễ tế long trọng nhân ngày mất của ông. Tác phẩm của Vũ Duệ hiện còn bài văn bia soạn năm 1521 cho kỳ thi năm 1514 tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Bia số 6), hai bài thơ chép trên bia đá tại Lam Kinh khu lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bảy bài thơ chữ Hán chép trong “Toàn Việt thi lục”.

Bài liên quan
Cái chết oan khuất của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật
Nguyễn Quang Bật được thần báo mộng sẽ không đỗ cao, nhưng ông cho rằng “nhân định thắng thiên”, và cuối cùng đã đỗ Trạng nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị Trạng nguyên trung nghĩa hết lòng phò tá vua Lê