Rèn ý thức bảo vệ môi trường
Tiếp nối những khái quát về mô hình trường học xanh, TS Bùi Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đưa ra một mô hình sáng tạo khởi nghiệp vì cộng đồng cho các cấp học ở phổ thông. Theo TS Hương, một số giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ giáo dục phân loại rác thải tại nguồn bằng 3 mô hình giáo dục khởi nghiệp: Tái tuần hoàn rác thải hữu cơ, tái tuần hoàn rác thải giấy và tái tuần hoàn rác thải nhựa. Trong đó, kết nối trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp về môi trường và giáo dục với trường học là việc cần thiết, đem lại hiệu quả thiết thực.
Người truyền cảm hứng với giấc mơ hồi sinh những “vùng đất chết” ở Việt Nam, TS Ngô Thị Thúy Hường - giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Phenikaa đã chia sẻ những giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng có hại từ thực trạng ô nhiễm môi trường đến sức khỏe và hoạt động của giáo viên, học sinh trong các trường học.
Theo đó, giáo dục môi trường, giáo dục bảo vệ màu xanh cho sức khỏe, tương lai bắt nguồn từ thấu ểu con người. Nếu mỗi trẻ em đều được trải nghiệm, thực hành xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và được sử dụng những công cụ, phương tiện để thực thi “giáo dục xanh” chắc chắn chúng ta sẽ có một tương lai vững chắc, đáng sống. Các em sẽ thích nghi tốt hơn với cuộc sống nhiều biến động hiện nay.
Triết lý về giáo dục xanh trong trường học được các chuyên gia thống nhất với các giá trị cốt lõi như: Trường học xanh là trường học thực hiện tốt 17 mục tiêu phát triển bền vững của thiên niên kỷ. Trong đó coi trọng mục tiêu môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn, là môi trường học đường mà các trường cần hướng đến.
Trường học xanh nơi tiết giảm chi phí môi trường thực hiện 7R: (1) Reduce – là hạn chế/giảm tải chất thải ra môi trường; (2) Reuse – Tái sử dụng đồ dùng khi có thể để hạn chế xả thải; (3) Recycle – Tái chế đồ dùng, đặc biệt các đồ dùng liên quan đến rác thải nhựa; (4) Refuse – Từ chối sử dụng các đồ dùng có liên quan đến nhựa, nilon, rác thải có hại với môi trường; (5) Rethink – Suy nghĩ lại cho tất cả “hành vi mua sắm, sử dụng, và nhu cầu của mình” trong mối liên hệ với 4R kể trên; (6) Repair - Sửa chữa hoặc thay linh kiện các vật dụng bị vỡ, hỏng để dùng lại và kéo dài tuổi thọ là một cách khác để giảm tiêu thụ vật liệu và tài nguyên thiên nhiên; (7) Replace là cách sử dụng các vật liệu thay thế cho nhựa ở những chỗ có thể hoặc thay thế các đồ nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng.