Với mô hình này, học sinh, sinh viên và học viên có toàn quyền tùy chỉnh trải nghiệm học tập bằng cách lựa chọn các khóa học, chủ đề học độc lập, phù hợp với sở thích và mục tiêu giáo dục của mỗi người. À la carte learning cũng cho phép người học linh động sắp xếp lịch trình vì mỗi khóa học được hoàn thành dựa trên tốc độ, khả năng của mỗi người.
Nhờ sự đa dạng của các thiết bị học tập như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, kính thực tế ảo, các nhà giáo dục có thể tăng cường các chương trình học tập nhập vai phù hợp cho từng đối tượng.
Các dạng học tập thực tế mở rộng bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR) là cách lý tưởng để thu hút và duy trì sự quan tâm của người học.
Lợi ích của công nghệ nhập vai là khả năng tiếp cận. Bất chấp khoảng cách địa lý, người học vẫn có thể tham gia các lớp học. Tất cả học viên đều được tham gia một "sân chơi" bình đẳng. Họ được trao quyền học lý thuyết, thực hành để nâng cao kiến thức mà vẫn đảm bảo an toàn, được hỗ trợ và giảm thiểu những rủi ro không đáng có.
Trong những năm tới, khi Metaverse phát triển, việc ứng dụng thực tế ảo trong học tập và giáo dục được dự đoán sẽ phát triển nhanh chóng. Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục sẽ được khám phá những cơ hội mới, những thị trường tiềm năng trị giá hàng tỷ USD.
Những khóa học nhỏ, ngắn hạn được người bận rộn ưa chuộng. Ảnh: Graphicstock. |
Một xu hướng học tập mới trong năm 2023 là những khóa học, bài học nhỏ, vừa phải. Người học có thể tiếp cận với bài học ngắn, dễ tiếp thu thay vì phải tham gia khóa học dài hơi với khối lượng kiến thức khổng lồ.
Xu hướng theo đuổi micro-learning hoặc nano-learning được dự đoán sẽ tăng mạnh vì khả năng tập trung và sự kiên nhẫn của mọi người đang bị rút ngắn. Áp lực cạnh tranh tăng cao, cuộc sống hối hả cũng là một phần lý do khiến nhiều người không thể dành nhiều thời gian cho việc học.
Những bài học ngắn gọn, tập trung vào một kết quả nhất định sẽ mang lại lợi ích cho cả người dạy và người học. Micro-learning hoặc nano-learning giúp tránh tình trạng lãng phí thời gian, tài liệu, đồng thời giảm bớt độ phức tạp của những khóa đào tạo. Qua đó, người học có thể ghi nhớ thông tin hiệu quả hơn.
Những khóa học ngắn hiệu quả hơn khóa học dài. Nó khuyến khích người học tham gia học tập và duy trì liên tục. Tính linh hoạt của khóa học, kết hợp với tài liệu đa phương tiện cũng cho phép người học lựa chọn thời gian, phương pháp học họ cảm thấy phù hợp nhất.
Tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, óc sáng tạo, trí tuệ cảm xúc, khả năng hợp tác, thích ứng và sự bền bỉ... là những kỹ năng mềm được công nhận là quan trọng với xã hội hiện đại. Nó cho phép những cá nhân nổi bật trở thành ứng viên xuất sắc cho mọi vai trò, kể cả vai trò lãnh đạo.
Kỹ năng cứng thường đề cập các kỹ năng dựa trên nhiệm vụ cụ thể như lập trình, viết lách, phân tích... Kỹ năng cứng có thể đo lường, định lượng cụ thể trong môi trường học tập và công việc.
Trong khi đó, kỹ năng mềm thường mang bản chất cá nhân hoặc xã hội. Kỹ năng mềm được coi như một "đặc điểm" mà tất cả học sinh, sinh viên hay người đi làm cần phải có và trau dồi liên tục.
Do đó, nhiều trường học, tổ chức ngày càng quan tâm đến việc dạy kỹ năng mềm và dùng chúng như một thước đo để đo lường sự tiến bộ của học sinh, nhân viên trong học tập, làm việc.