Cho biết, mục tiêu định hướng lớn của Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045 xác định giáo dục đào tạo Hà Nội phải là giáo dục đào tạo chất lượng cao hàng đầu của cả nước, có năng lực cạnh tranh với quốc tế. Muốn làm được việc này, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng cần thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội đô; tính toán, cân nhắc lại tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các đô thị đặc thù, trước mắt với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
“Với áp lực tăng dân số cơ học vô cùng lớn, nếu không linh hoạt về đội ngũ, tổ chức bộ máy, thì Hà Nội sẽ luôn trong tình trạng “ăn đong”” - ông Nguyễn Văn Phong cho hay.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh hướng những trường mới xây dựng tính toán theo mô hình nhiều cấp học; nghiên cứu quy định giúp một số tỉnh thành có độ mở về nền kinh tế như Hà Nội được chủ động hơn hội nhập quốc tế về giáo dục…
Phát biểu tại buổi làm việc, các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đánh giá cao kết quả mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đạt được trong thời gian qua; đồng thời đưa ra những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới và thông tin lại một số nội dung Hà Nội đề xuất, kiến nghị.
Trong đó có đề nghị thành phố Hà Nội cần giải pháp để rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các quận huyện trên địa bàn; quan tâm đến quỹ đất cho giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; giảm sĩ số học sinh trên lớp, giảm số lớp trong một trường; chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên; quan tâm cơ chế chính sách, đặc biệt là số người làm việc trong các phòng Giáo dục và Đào tạo; chú trọng phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ từ các trường đại học đóng trên địa bàn; có định hướng rõ ràng để hỗ trợ việc di dời cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục,…
Giáo dục Thủ đô có tính chất đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa
Nhắc lại cả kết quả và hạn chế, tồn tại của giáo dục Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: Hà Nội luôn xác định giáo dục và đào tạo là công việc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp. Cần nhìn nhận rõ những thuận lợi, khó khăn; đặc biệt tìm hiểu thật căn cơ nguyên nhân khó khăn và hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, để tìm ra giải pháp; sau đó là tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Yêu cầu rất đúng, nhưng cũng rất khó với Thủ đô hiện nay là giảm sĩ số học sinh trên lớp. Chia sẻ điều này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng bài toán quy hoạch mạng lưới là vô cùng quan trọng, giảm tải trong nội đô - đây là việc dài hơi. “Phát triển giáo dục phải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội từng địa phương, từng địa bàn và phù hợp chung với cả nước” - ông Đinh Tiến Dũng cho hay.
Về những nội dung cần tập trung, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và quan tâm đến nhóm vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng, tăng cường xã hội hóa giáo dục, cải cách hành chính… Công tác phòng chống Covid-19 trong trường học cũng sẽ được tiếp tục quan tâm chỉ đạo theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Chia sẻ về giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc đến những đặc thù: quy mô lớn, cơ hội và thuận lợi nhiều, nhưng thách thức và áp lực cũng rất lớn. Có thể nói, không có địa phương nào, áp lực về chất lượng, đòi hỏi và kì vọng của xã hội đối với giáo dục lại cao như ở Hà Nội.
Khẳng định giáo dục đào tạo Thủ đô có tầm quan trọng đặc biệt, điều này, theo Bộ trưởng không chỉ bởi quy mô chiếm đến khoảng 10% của giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học cả nước, mà còn bởi tính chất đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt. Hà Nội là Thủ đô văn hiến, thanh lịch; mà văn hiến, thanh lịch không thể được xây đắp trong một nền giáo dục trung bình.
“Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế trong giáo dục; đặc biệt trong đó là chất lượng giáo dục” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Về một số việc cần làm, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần có một kế hoạch, thậm chí là chiến lược, để làm sao đạt mục tiêu giảm được sĩ số học sinh/lớp; một con số Bộ trưởng đơn cử là “không còn lớp học nào sĩ số trên 40 học sinh”. Đây là việc rất lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này; trong đó có giải pháp cho từng nhóm, từng khối, từng khu vực; khối đô thị cổ có giải pháp khác, khối đô thị cũ có giải pháp khác, đô thị mới hiện đại có giải pháp khác…
Với đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng nhấn mạnh việc rất quan trọng là phát triển phương diện con người về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ. Hà Nội có lợi thế không gian giáo dục không chỉ trong trường học, mà còn có cả các công viên, nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, bảo tàng, các không gian văn hóa công cộng… Thành phố cần tận dụng, có định hướng khai thác toàn bộ tiềm lực không gian văn hóa này để phát triển giáo dục một cách toàn diện, có chiều sâu và chất lượng.
Về giải pháp chính sách, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội cần thiết xem xét thí điểm, ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô; chẳng hạn về hợp tác công tư trong giáo dục, mô hình trường liên cấp, giải pháp huy động giáo viên, …; có chính sách để phát triển các trường đại học trên địa bàn... Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ cùng tham gia phối hợp; đồng thời Bộ cũng sẽ rà soát hệ thống các chính sách để mở đường cho phát triển giáo dục, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội sớm có đánh giá dự báo về nhu cầu nhân lực của Thành phố để làm một trong các căn cứ phục vụ công tác quy hoạch. Cùng với đó, xem xét đến mô hình các trường năng khiếu, bên cạnh trường chuyên, bằng cả hình thức công, tư.
Trong phát triển theo hướng đô thị thông minh, Hà Nội cần tính đến phát triển không gian học tập, xã hội học tập cho học tập suốt đời. Điều này, theo Bộ trưởng, được xem là tố chất của một đô thị đẳng cấp, để nơi nào cũng có thể học, thỏa mãn mọi nhu cầu về học tập… “Mong vấn đề này sẽ được thảo luận riêng trong một thời gian thích hợp” – Bộ trưởng trao đổi.