Cách học sinh Việt ở Mỹ chọn ngành nghề

T/h | 23/05/2022, 08:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để biết bản thân có thiên hướng gì, phù hợp ngành nghề nào trước khi lựa chọn trường học.

Christina Nguyễn (Nguyễn Ngọc Trang) hiện là bác sĩ gia đình cho CommonSpirit, một trong những tổ chức y tế phi lợi nhuận hàng đầu tại Mỹ. Christina cùng mẹ và em gái từ Việt Nam sang Mỹ định cư ở bang Kansas gần 20 năm trước, khi cô đang học phổ thông. Mẹ của Christina không rành tiếng Anh, lại không hiểu biết nhiều về xã hội Mỹ lúc đó, nên quá trình học tập và định hướng công việc của Christina đều do cô chủ động.

Christina Nguyễn hiện là bác sĩ gia đình của tổ chức CommonSpirit. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Christina Nguyễn hiện là bác sĩ gia đình của tổ chức CommonSpirit. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Christina cho biết, các trường trung học ở Mỹ tuy không có chương trình hướng nghiệp chính thức nhưng có nhiều trải nghiệm để học sinh biết mình phù hợp với ngành nghề gì.

Tại trường Wichita East, Kansas, nơi Christina theo học, cô được tham gia hội thảo, ngày hội thông tin của các đại học và tiếp xúc nhiều người làm việc trong những lĩnh vực khác nhau. Trường cũng có phòng tư vấn hướng nghiệp. Christina từng tới văn phòng này để tìm hiểu thông tin, xin tài liệu về các ngành ở bậc đại học.

"Trường có nhiều câu lạc bộ khác nhau như nghệ thuật, kinh doanh, khoa học... Tôi muốn theo ngành sinh học, tập trung vào nghiên cứu nên ngay từ lớp 9 đã tham gia câu lạc bộ về khoa học", Christina kể.

Có mục tiêu rõ ràng, Christina tham gia lớp AP Chemistry (lớp nâng cao Hoá) và thi được 5 điểm tối đa. Với điểm số này, khi lên đại học, cô không phải học lớp General Chemistry (Hóa cơ bản) mà có thể vào lớp cao hơn.

Bác sĩ gốc Việt cho hay, ở Mỹ, học sinh muốn theo đường học vấn có nhiều cách để tìm hiểu kỹ bậc đại học. Christina từng là thành viên của Upward Bound College Prepatory, một chương trình của chính phủ, hỗ trợ học sinh muốn chuẩn bị để vào đại học.

Khi tham gia chương trình này, cô được sống trong ký túc xá của trường đại học một tháng hè. Trong thời gian đó, Christina học các lớp mùa hè, tham gia hoạt động và đi thăm một số trường. Những trải nghiệm này giúp Christina đánh giá bản thân có phù hợp với môi trường đại học hay không.

Cô cũng tận dụng cơ hội để đến văn phòng bác sĩ tham quan; đăng ký học việc (internship) tích lũy thêm kinh nghiệm.

Ngày đó, Christina được một thạc sĩ chuyên ngành sinh học, làm việc cho nhà máy nước của thành phố, hướng dẫn. Sau hai tháng hè, Christina được trả lương 3.000 USD và có thêm hiểu biết về lĩnh vực sinh học. Đó là những kinh nghiệm quan trọng trong bộ hồ sơ vào đại học và xin học bổng của cô sau này.

"Thấy chương trình gì hữu ích, câu lạc bộ nào bổ trợ cho ngành mình theo đuổi là tôi lao vào, với mong muốn tận dụng cơ hội học hỏi", bác sĩ Christina chia sẻ.

Khi đã xác định được ngành, Christina lựa ra những trường danh tiếng. Cô chọn Đại học Creighton, một trường có thế mạnh về ngành y. Trường y ở Mỹ yêu cầu ứng viên phải có bằng cử nhân, trải qua các lớp điều kiện và bài thi chuẩn hóa đầu vào. Tốt nghiệp loại ưu, Christina muốn trở thành bác sĩ nên đã đăng ký vào trường y và đào tạo nội trú tại University of Nebraska Medical Center.

Bác sĩ Christina (trái) trong ngày tốt nghiệp trung học năm 2008. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Christina (trái) trong ngày tốt nghiệp trung học năm 2008. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Christina, tùy từng gia đình sẽ có định hướng khác nhau cho con cái trong việc chọn ngành, nghề. Xã hội Mỹ đa văn hóa, chủng tộc và có nhiều tầng lớp khác nhau. Nhiều bố mẹ để con tự do lựa chọn nhưng cũng có những gia đình Mỹ gia giáo vẫn hướng nghiệp con sát sao. Phụ huynh châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, cũng thường quan tâm và tác động nhiều đến việc con học ngành, nghề gì.

Có con gái ở độ tuổi cần hướng nghiệp, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, trưởng khoa Tài chính - Kế toán, Đại học Westfield State, bang Massachusetts, muốn con theo y để trở thành bác sĩ. Ngành học này vất vả nhưng đổi lại sẽ đảm bảo cho cô bé tương lai ổn định.

Nguyễn Nam Huyên (SeSe), con gái giáo sư Liêm, học giỏi, hai lần được học vượt cấp. SeSe giỏi đều các môn nhưng yêu thích và nổi trội ở môn Sinh học. Tốt nghiệp thủ khoa trung học, SeSe được học bổng toàn phần vào Đại học bang Connecticut ở tuổi 16.

Giáo sư Liêm cho hay, các chuyên gia ở văn phòng tư vấn trường học hướng nghiệp cho học sinh dựa trên kết quả của bộ công cụ test tính cách, sở thích. SeSe từng làm một số trắc nghiệm để khám phá khả năng bản thân và đo mức độ phù hợp với các ngành nghề.

"Kết quả cho thấy SeSe có thể học bác sĩ hoặc những ngành về nghiên cứu", giáo sư Liêm, hiện ở thành phố Avon, bang Connecticut, kể.

Học được một kỳ, SeSe nhận ra không hứng thú với định hướng ban đầu, tính đổi sang Khoa học môi trường. Tuy nhiên, ngành này mất nhiều thời gian học, mức lương lại không cao. Nghe bố phân tích, nữ sinh đã chuyển sang Kinh tế và Xác suất thống kê, thêm chuyên ngành phụ là Toán.

SeSe (bìa phải) giành học bổng tiến sĩ chuyên nghành Tài chính, trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania (UPenn) khi mới 19 tuổi. Nữ sinh dự định theo con đường nghiên cứu và trở thành giáo sư như bố. Ảnh: Nhân vật cung cấp

SeSe (bìa phải) giành học bổng tiến sĩ chuyên nghành Tài chính, trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania (UPenn) khi mới 19 tuổi. Nữ sinh dự định theo con đường nghiên cứu và trở thành giáo sư như bố. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo giáo sư Liêm, các trường ở Mỹ không yêu cầu sinh viên chọn ngành ngay. Sau khoảng hơn một năm đầu học các môn căn bản, nếu thích môn nào, sinh viên mới tập trung đi sâu. Đó cũng là khoảng thời gian giúp họ định hướng xem bản thân thực sự phù hợp với lĩnh vực nào.

Ông cho biết thêm, giống ở trung học, các đại học cũng có advisor (người cố vấn). Ngoài đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, đa số giáo sư cũng tham gia tư vấn cho sinh viên trong ngành của mình. Tại Đại học Westfield State, giáo sư Liêm cũng làm advisor cho các sinh viên năm nhất chọn môn và xác định hướng đi nghề nghiệp.

Giáo sư ví dụ, những sinh viên thích báo chí được khuyên chọn một vài môn liên quan như quan hệ quốc tế, chính trị học... Ở kỳ đầu tiên, nếu không còn hứng thú với ngành này mà quan tâm quan hệ quốc tế hơn, sinh viên sẽ chọn thêm môn bổ trợ cho môn đó ở kỳ tiếp theo để "test", trước khi chốt ngành.

Với trường hợp của SeSe, giáo sư Liêm chia sẻ, nhờ có sự điều chỉnh sớm, con gái đã chọn được ngành học yêu thích và phát huy được khả năng. SeSe học đại học trong ba năm và tốt nghiệp ở tuổi 19.

Hôm 17/2, khi vừa bước sang tuổi mới, nữ sinh gốc Việt được thông báo trúng tuyển học bổng tiến sĩ chuyên ngành Tài chính, trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania (UPenn) - nằm trong nhóm Ivy League, được tạp chí US News & World Report xếp hạng nhất về ngành Tài chính. SeSe có mục tiêu trở thành giáo sư tài chính như bố.

Từ kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Christina khuyên những bạn học ngành y ở Mỹ phải có con đường đi rõ ràng. Khác với một số nước, sinh viên y ở Mỹ phải đi qua bốn năm đại học trước đó. Bốn năm này vẫn là giai đoạn hình thành và định hướng cho họ.

"Bằng đại học bốn năm ở Mỹ ngày nay thường chưa đủ vì hầu hết các ngành học đòi hỏi sinh viên phải tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ hay có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn mới làm được việc", bác sĩ Christina nói.

Bài liên quan
Phân biệt giới tính khi chọn nghề, chọn trường: Hệ lụy không đáng có
Thực tế cho thấy, vẫn tồn tại định kiến phân biệt giới tính khi chọn nghề, chọn trường trong suy nghĩ của giới trẻ, gia đình và đôi khi cả thầy cô.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách học sinh Việt ở Mỹ chọn ngành nghề