Sĩ tử xưa không bao giờ tin vào quan niệm sờ đầu rùa để lấy may. Vậy để vượt vũ môn, họ “cầu may” theo cách nào?

Ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn cùng một số đền miếu thờ thần cũng điểm tâm linh được nhiều sĩ tử xưa tới cầu mộng. Đền Ngọc Sơn là nơi thờ phụng thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử.

Người Trung Quốc cho rằng, đó là vì tinh tú nắm giữ công danh và văn vận của thế nhân. Do đó, người ta tin rằng, sĩ tử có sao Văn Xương chiếu mệnh sẽ trở nên thông minh, ngòi bút sắc bén liên quan đến văn chương.

Dân gian Việt Nam thì tin rằng, ai được Văn Chương chiếu mệnh thì sẽ công thành danh toại. Chính bởi quan niệm này mà sau đến đời nhà Nguyễn, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã cho dựng “đài nghiên, tháp bút” trước cổng đền Ngọc Sơn làm phong phú quan niệm dân gian này.

Bên cạnh đó, ngay trước cổng vào đền Ngọc Sơn, có hai bức tường một bên là bảng Long (rồng), một bên là bảng Hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.

Hai bên có hai câu đối: “Bát đảo, mặc ngân hồ thủy mãn/ Kình thiên, bút thế thạch phong cao”. Nghĩa là: “Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ/ Chạm bầu trời, thế bút ngất núi”.

Không chỉ tới đền miếu để gửi gắm ước vọng đỗ đạt, các sĩ tử thời xưa trước khi thi thường đến những nơi kể trên để cầu mộng. Trước khi cầu mộng, họ thường tắm rửa sạch sẽ, ăn chay 3 ngày và ngủ lại nơi đền miếu để mong thần thánh báo cho mộng lành.

Chuyện được báo mộng mà đỗ đạt phải kể đến Thám hoa Nguyễn Minh Triết (đỗ khoa Tân Mùi 1631). Chuyện kể rằng, bấy giờ có khá nhiều người hay đến các đền đài cầu mộng khoa cử.

Nguyễn Minh Triết không đỗ thi Hội đã đến ngôi chùa trong vùng để cầu mộng. Hôm đó, ông mơ thấy có một vị Thần đến nói rằng: “Độc thư đáo lão vị thành danh”. Tuy nhiên, ông không hiểu lời nói ấy có nghĩa gì.

Sau khi đỗ, Nguyễn Minh Triết mới hiểu “độc thư đáo lão vị thành danh” mang ý nghĩa đọc sách đến già, năm “mùi” thì mới thành danh. Chữ “vị” còn có nghĩa là năm Mùi. Trong tất cả khoa thi, không năm nào trúng năm Mùi cả, chỉ đến khoa thi năm Tân Mùi 1631 thì mới đỗ.

Một số vị tiến sĩ nữa như Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Trật… cũng có những giai thoại tương tự. Tuy nhiên, các giai thoại chủ yếu là “mộng tiên báo” chứ không hẳn là “mộng thấy đề bài” như một số người vẫn lầm tưởng. Điều đó chứng tỏ tài học và ý chí thi cử rất quyết liệt của các sĩ tử thời phong kiến.

Dưỡng thể và dưỡng trí

Người xưa 'cầu may' cách nào để 'vượt vũ môn'? ảnh 3
Thay vì sờ đầu rùa, sĩ tử nên tỏ lòng thành kính các bậc tiên hiền Nho học.

Không chỉ mong thánh thần phù hộ, báo mộng soi sáng, các sĩ tử xưa còn chăm lo đến các phương pháp ăn uống để tinh thần được sảng khoái, trí óc được minh mẫn. Có được một cơ thể khỏe mạnh, trí nhớ mới mẫn tiệp, làm bài mới thông suốt.

Theo quan niệm dân gian, một số đồ ăn có tác dụng bồi bổ cơ thể - làm tăng tiến tinh thần và yếu tố tâm linh may mắn, như: Đỗ, đậu, ngô, hạt sen. Đặc biệt, món cá chép thường được nhiều sĩ tử lựa chọn bởi họ tin cá chép sẽ có thể vượt vũ môn hóa rồng.

Đồng thời, các sĩ tử xưa cũng được cho ăn những món vận dụng theo thuyết âm dương ngũ hành, theo mệnh của từng người. Một số món được liệt kê, như: Xôi gấc, đầu cá, cháo đậu, đường, mật. Ngoài ra, các món như: Chân giò lợn hầm đu đủ, đùi gà tiềm sâm… cũng được sĩ tử ưa dùng.

“Khoảng từ năm 2000, một số người sờ đầu rùa lấy may. Chẳng biết có may không, nhưng một người làm thì mười người theo, rồi theo thói a dua và “có hơn không” nên hình thành tệ nạn phá hoại di tích. Các quan niệm, kể cả “cầu mộng” thực ra cũng chỉ là những giai thoại mà người đời thêu dệt. Đỗ đạt hay không, phụ thuộc vào tri thức, trí tuệ và bản lĩnh của sĩ tử; không phụ thuộc vào đầu rùa, cũng không phải cứ cầu mà thấy”.

Nhà thư pháp, TS Cung Khắc Lược

Bên cạnh những món ăn mang lại may mắn, sĩ tử xưa cũng kiêng một số món được cho là đem lại rủi ro. Họ kiêng ăn lạc vì đồng âm với từ “lạc đề”. Kiêng ăn chè đỗ đen hay thậm chí mang đồ dùng có màu đen vào trường thi là cấm kỵ với sĩ tử - vì màu đen tương đồng với “vận đen” và xui xẻo.

Kiêng ăn chuối, bởi thí sinh lo sợ đi thi “trượt vỏ chuối” tức là thi trượt. Kiêng ăn mực vì có câu “đen như mực”. Kiêng ăn cá mè, thịt vịt là những món ăn được dân gian cho là xui xẻo, không đem lại may mắn.

Sử liệu Việt Nam không ghi cụ thể các vấn đề ngoài trường thi, nên việc các sĩ tử ăn uống như thế nào cũng chỉ là theo quan niệm dân gian. Tuy nhiên, Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn hóa Trung Quốc, nên việc ăn uống các món bổ dưỡng và đem lại may mắn, cũng như kiêng khem các món ăn tiềm ẩn nhiều rủi ro - khá tương đồng với sĩ tử phương Bắc.

Bài liên quan
Phụ huynh cùng sĩ tử đến Văn Miếu vái vọng "cầu may" cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, sáng 4/7 nhiều phụ huynh cùng sĩ tử đến trước cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) để cầu may mắn cho kỳ thi sắp tới...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách người xưa 'cầu may' trước kỳ thi