Chi thường xuyên cho giáo dục đại học rất khiêm tốn

Minh Phong | 12/11/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chi ngân sách cho giáo dục đại học trung bình khoảng 1% GDP. Việt Nam bằng một nửa so với Thái Lan, 1/3 so với Singapore.

Theo các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, nếu nguồn lực chi đủ cho hoạt động chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất cũng là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng

GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho biết, với mục tiêu trở thành trường đại học phi lợi nhuận, ban lãnh đạo Tập đoàn Phenikaa và Hội đồng trường đã quyết tâm, kiên định để có một kế hoạch tài chính dài hạn nhằm bảo đảm các nguồn lực. Trước tiên, là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của nhà trường từ một nền tảng của một trường đại học tư thục còn rất nhiều điểm yếu so với các trường công lập nói riêng và trường đại học quốc tế nói chung.

Trong chiến lược phát triển của nhà trường, trọng tâm chính là nguồn lực về con người. Để có được một trường đại học tốt, cần có đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao. Theo đó, nhà trường đã xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút tuyển dụng giảng viên giỏi, nhà khoa học từ nước ngoài trở về nước công tác cũng như từ đơn vị trong và ngoài nước khác. Nhà trường giao quyền tự chủ cho các nhà khoa học đầu ngành, trưởng nhóm nghiên cứu và thầy cô từ tuyển dụng, phát triển và định hướng nghiên cứu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Nghị quyết Đại hội XIII xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đây còn là chìa khóa để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn.

“Như vậy, Việt Nam bằng một nửa so với Thái Lan, 1/3 so với Singapore. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chi ngân sách cho giáo dục đại học trung bình khoảng 1% GDP. Hơn nữa quy mô GDP các quốc gia này lớn hơn Việt Nam rất nhiều lần, nếu so sánh con số tuyệt đối, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam còn thấp hơn nữa” - đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngân sách đầu tư cho giáo dục, trong đó có lĩnh vực đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng. Đại biểu đoàn Quảng Bình cho hay: Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi cho lĩnh vực giáo dục, chiếm 0,25% đến 0,27% GDP. Đây là mức chi rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ chi cho giáo dục đại học của Việt Nam chỉ bằng 2% so với Indonesia là 0,57%, Thái Lan là 0,64%, Singapore là 1% GDP.

Cần bảo đảm ngân sách 20% cho giáo dục

Tại Chương trình tọa đàm trực tuyến “Giáo dục đại học - Thách thức và cơ hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, chúng ta cứ đi trong vòng ngân sách cho phép, cố gắng hàng năm bảo đảm 20% ngân sách chi cho giáo dục. Cần tăng dần tỷ trọng cho giáo dục đại học theo đúng yêu cầu đặt ra là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chi thường xuyên cho giáo dục: Nói đi đôi với làm ảnh 1
Cô - trò Trường Tiểu học Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, cần tính được hiện nay cách phân bổ hợp lý hay không hợp lý. Đây là bài toán khó, bởi chúng ta đang phân cấp ngân sách, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý một phần và các địa phương cũng nắm ngân sách dành cho giáo dục. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng muốn nghiên cứu dòng tiền cho giáo dục chảy như thế nào. Đây là câu chuyện khó, khó nhưng vẫn phải làm.

Theo ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hoà, nếu chi đủ cho hoạt động chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất và bảo đảm ngân sách 20% cho giáo dục cũng là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chi đầu tư cho giáo dục mỗi nơi một kiểu. Do đó, cần đẩy mạnh việc giám sát đối với các nguồn chi cho giáo dục, đào tạo, tránh hiện tượng chi sai mục đích, dẫn đến không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách. Cơ chế này cần được áp dụng đồng thời với nguồn vốn xã hội hóa thông qua các tiêu chí phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ đã đưa vào đề xuất dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 mức chi cho giáo dục đại học từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỷ lệ GDP. Muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước phải minh bạch hóa. Minh bạch tất cả khoản thu, khoản chi của cơ sở đại học trực thuộc các bộ ngành, địa phương thì mới tính được chi như thế nào cho hiệu quả.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trực tiếp người học chuyển từ chi thường xuyên sang chi hỗ trợ trực tiếp người học, đặt hàng và giao nhiệm vụ đã có quy định nhưng cần mở rộng hơn nữa đối tượng, với cơ chế ưu đãi hơn. Đây là chính sách rất hiệu quả. Việc đầu tư đặt hàng phải theo cơ chế cạnh tranh, tập trung những ngành, trường tạo sức mạnh lan tỏa.

Đây là vấn đề được quy định trong Luật, quan trọng là triển khai cụ thể như thế nào cho hiệu quả. Tuy vậy, nếu được ghi vào văn bản cụ thể mức chi bao nhiêu % hàng năm thì sẽ có căn cứ, lộ trình tăng ngang bằng các nước trong khu vực và cũng thuận lợi cho các bộ, ngành.

Liên quan đến kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, Bộ GD&ĐT rất quan tâm vấn đề này vì lực lượng nghiên cứu nằm trong các cơ sở giáo dục đại học là chủ yếu. Vấn đề là làm sao kinh phí ấy bớt trung gian để đưa về trường. Lúc đó đơn vị có thế mạnh sẽ có nguồn lực phát triển nhanh hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến 2045. Đặc biệt, cần bảo đảm ngân sách 20% cho giáo dục. Có lộ trình tăng tỷ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp lên tương đương với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới.

Bài liên quan
Giáo dục đại học Mỹ 'giậm chân' sau dịch Covid-19
Sau 2 năm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến tỷ lệ tuyển sinh, Mỹ đang tìm cách phục hồi lĩnh vực giáo dục đại học cả trong lẫn ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi thường xuyên cho giáo dục đại học rất khiêm tốn