Chuyện thú vị về cô cháu nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Trần Hoà | 01/10/2022, 10:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hậu thế đã biết đến một Đoàn Thị Điểm tài sắc vẹn toàn, nhưng lại ít biết về người cháu – cũng là nữ sĩ nổi tiếng không kém.

Đó là nữ sĩ Đoàn Lệnh Khương, cháu gọi Đoàn Thị Điểm là cô ruột. Cặp đôi cô – cháu nữ sĩ vào thế kỉ 18 đã làm nên những giai thoại bất hủ về cả cuộc đời và sự nghiệp chữ nghĩa.

Người phụ nữ đầu tiên mở trường

Chuyện thú vị về cô cháu nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ảnh 1
Lăng mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tại Phú Thượng (Tây Hồ - Hà Nội).

Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, sinh quán huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Gia thế bà vốn họ Lê, tổ phụ là Lê Công Nẫm - một quan võ của nhà Lê.

Cháu nội của Lê Công Nẫm là Lê Doãn Nghi thi đỗ Hương cống nhưng thi Hội lại trượt nên đi dạy học, nhân nằm mộng thấy có thần nhân bảo đổi sang họ Đoàn thì sẽ vinh hoa phú quý. Ông đã làm theo và đổi thành Đoàn Doãn Nghi - đó chính là thân phụ của Đoàn Thị Điểm.

Đoàn Doãn Nghi vốn đã có vợ, khi trọ học ở phường Hà Khẩu của Thăng Long thì yêu thương và kết hôn lần hai với một cô gái họ Vũ - con của một võ quan cao cấp. Họ sinh hạ được hai con, một trai một gái: Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm.

Sớm nổi tiếng là cô gái tài sắc, nên khi lớn lên Đoàn Thị Điểm được nhiều người đến cầu hôn, trong đó có nhiều bậc danh sĩ đương thời như các Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, Nguyễn Công Thể… đều là quan đầu triều nhà Lê - Trịnh.

Tuy nhiên, Đoàn Thị Điểm đều từ chối. Từ năm 16 tuổi, tiếng đồn về tài sắc của Đoàn Thị Điểm đã đến tai quan Thượng thư Lê Anh Tuấn (cũng là thầy học của cha bà - Đoàn Doãn Nghi), nên quan thượng nhận bà làm con nuôi và dự định tiến cử bà vào phủ chúa Trịnh, nhưng bà từ chối.

Trong vòng 6 năm, Đoàn Thị Điểm phải hứng chịu hai cái tang: Cha mất năm 1729 và anh ruột là Đoàn Doãn Luân mất năm 1735. Bà phải về Hưng Yên làm nghề bốc thuốc giúp chị dâu nuôi hai cháu nhỏ là Đoàn Doãn Y và Đoàn Lệnh Khương.

Phụ nữ thời đó không có điều kiện thi cử ngang hàng với nam giới. Tuy vậy, bà không kém tiếng ở đất kinh kỳ về văn thơ, lại càng nổi tiếng về vẻ nghiêm nghị, đoan trang, cứng cỏi. Bà là người phụ nữ đầu tiên mở trường dạy học - trường học cô Điểm ở làng Chương Dương (nay là Thường Tín, Hà Nội).

Trong số học trò của bà có người đã đỗ đạt cao, tiêu biểu là Đào Duy Doãn đỗ tiến sĩ năm 1763. Hồng Hà nữ sĩ thuở ấy đã đánh một dấu son trong nền giáo dục - lần đầu tiên trong lịch sử có một phụ nữ mở trường dạy học.

Mối tình chinh phụ

Chuyện thú vị về cô cháu nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ảnh 2
Lễ hợp táng vợ chồng Tiến sĩ Nguyễn Kiều - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm vào tháng 7/2011.

Năm 1743, sau một lời cầu hôn bất ngờ và chân thành, Đoàn Thị Điểm nhận lời làm vợ kế của Binh bộ Tả Thị lang Nguyễn Kiều, đang góa vợ. Mối nhân duyên bất ngờ này của bà được nhân gian kể lại với nhiều câu chuyện cảm động

Nguyễn Kiều (1695 - 1771) hiệu là Hạo Nhiên, người Thăng Long, nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, đỗ Giải nguyên năm 18 tuổi ngay trong lần đầu đi thi, năm 21 tuổi đỗ tiến sĩ. Ông là tác giả tập thơ “Hạo Hiên thi tập” và là đồng tác giả bộ “Sứ Hoa tùng vịnh” - tập thơ xướng họa cùng Phó sứ Nguyễn Tông Quai khi sang phương Bắc.

Trước khi đi sứ phương Bắc, Nguyễn Kiều nhờ người mai mối nhưng nữ sĩ không đồng ý. Ông vẫn kiên trì, rồi viết thư cầu hôn với lời lẽ thống thiết.

Thư có đoạn: “Tôi rất bận việc quan. Vó ngựa hoàng hoa đã gần ngày lên đường. Việc nhà không ai coi sóc và cai quản, tôi nghĩ rằng phu nhân cùng nội trợ tôi xưa có tình chị em, có phận keo sơn. Nếu phu nhân bằng lòng đùm bọc cho nội trợ tôi thì thực là may cho cả nhà tôi đó”.

Cuối cùng bà Đoàn Thị Điểm gật đầu đồng ý khi đã 37 tuổi. Cưới nhau được hơn một tháng, ông Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ. Trong ba năm vắng chồng, nữ sĩ họ Đoàn sống chẳng khác nào người chinh phụ. Có lẽ chính trong thời gian này, bà đã dịch ra quốc âm tác phẩm nổi tiếng của Đặng Trần Côn.

Nguyên tác “Chinh phụ ngâm” bằng Hán văn của Đặng Trần Côn được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch ra quốc âm, gồm 412 câu theo lối song thất lục bát. Tuy là bản dịch, nhưng còn được yêu thích hơn cả bản chính.

“Chinh phụ ngâm” còn được coi là cuốn nhật kí tâm hồn của một người chinh phụ, cho thấy tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam thế kỉ 18.

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” - chỉ cần hai câu thơ ấy, nữ sĩ đã khái quát phận người phụ nữ trong chiến tranh. Bà ngầm đưa ra chân lý “hoà bình là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc con người và hạnh phúc lứa đôi”.

Năm 1746, ba năm chờ chồng dài đằng đẵng vừa kết thúc, bà lại phải từ biệt mẹ già, cháu nhỏ theo chồng vào Nghệ An - nơi ông Kiều được triều đình bổ nhiệm làm Đốc đồng. Tuy nhiên, chẳng may trên đường đi bà đã lâm trọng bệnh, rồi qua đời vào ngày 11/9 (âm lịch) năm 1748, khi vừa 44 tuổi.

Người cháu tài sắc

Chuyện thú vị về cô cháu nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ảnh 3
Đoàn Lệnh Khương là nữ học sư nổi tiếng đương thời. Ảnh minh họa: IT

Đoàn Lệnh Khương sinh trưởng nơi quê hương văn hiến, trong một dòng họ nho gia, có người mẹ thông minh, nhân đức, người cha phong độ hiền tài. Lệnh Khương thuở nhỏ đã tỏ ra hơn người, thông minh lanh lợi, chăm chỉ học hành, có chí nối nghiệp cha ông.

Cha của bà là Đoàn Doãn Luân, thi Hương đỗ đầu, nhưng chỉ ở nhà dạy học, được người đương thời rất kính trọng. Nhà ông là một trường học luôn có những buổi đối đáp văn chương, ông và em gái là Đoàn Thị Điểm đón tiếp các bậc danh sĩ để cùng thi phú xướng họa.

Năm Lệnh Khương lên 9 tuổi thì phụ thân qua đời, bà được cô ruột là Đoàn Thị Điểm đem về nuôi dạy. Vừa học nội trợ, vừa học văn chương, Lệnh Khương rất mực chăm chỉ. Năm 16 tuổi bà đã nổi tiếng khắp vùng, tài sắc chẳng kém gì cô Điểm.

Chuyện cũ ở địa phương kể rằng: Một hôm Lệnh Khương đang đi chợ về thì có ông lão chạy ra đón đường, mời bà vào hàng nước để thưa chuyện. Ông nói: “Thưa cô, tôi là người làng bên, nghe tiếng cô là người hay chữ nên nhờ cô giúp cho một việc. Tôi nay già yếu, nhà nghèo lại không con, không nơi nương tựa, cô hãy làm phúc, cho đôi câu đối, để với đôi câu đối ấy tôi có thể kiếm miếng ăn. Gặp bất kì đám hiếu hay đám hỷ tôi có thể dùng được vào viếng hay mừng”.

Một đôi câu đối ấy mà gặp vui có thể chia vui, gặp dịp buồn lại chia buồn thì khó thật, ông lão này thử mình chăng? Nhưng nhìn vẻ mặt ông lão, bà biết ông nói rất thật. Sau một lát suy nghĩ bà đọc: “Nhất đức tại thiên tùy sở phú/ Thất tình ư ngã khởi vô tâm”.

Và bà giảng giải: Người ta ở đời gặp may hay rủi, vui hay buồn tất cả là tùy ở cái đức. Vậy mà cái đức ấy là do trời phú cho. Phàm lấy vợ, lấy chồng, làm nhà, làm cửa hoặc mất người, mất của, tốt xấu, lành dữ đều là do cái đức mà ra.

Vế thứ nhất đối với việc vui hay buồn đều hợp cả, còn vế thứ hai nghĩa là: Con người có 7 tính là: Hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn). Cho nên khi gặp việc vui thì lòng cũng vui được, mà gặp việc buồn thì ta cũng buồn được, đâu có vô tâm. Do đó, vế thứ hai có thể là lời chúc mừng mà cũng có thể là chia buồn.

Tiếng tăm tài sắc vẹn toàn của Đoàn Lệnh Khương ngày càng vang xa. Một cung phi ở làng Bảo Vực muốn đưa bà vào cung, song bà từ chối. Có thuyết nói rằng, người cung phi này muốn tiến cử cô vào cung làm vợ hoàng tử Duy Kỳ (tức vua Lê Cảnh Hưng sau này).

Trong công trình khoa học “Danh nhân Hà Nội” do cố GS Vũ Khiêu chủ biên đã nhận định nữ học sư Đoàn Lệnh Khương là nhà giáo dục nổi tiếng nhất của Thăng Long từ thời dựng nước đến thế kỷ 19 - bên cạnh các danh nhân Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Văn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Vũ Tông Phan.

Số phận nhân duyên của Lệnh Khương có vẻ khá giống với người cô Đoàn Thị Điểm. Tài giỏi là vậy nhưng đường tình duyên lại lận đận - năm 31 tuổi mới làm vợ kế của ông Nguyễn Xuân Huy – quan Đốc đồng trấn Sơn Nam, sinh hạ được một người con gái.

Cuộc nhân duyên này thật ngắn ngủi, chung sống chưa được bảy năm thì ông Huy mất. Trước đó ít ngày, người con riêng của ông Huy và cô con gái cũng bị bệnh qua đời. Bà khóc chồng bằng đôi câu đối vừa như hi sinh, vừa như ngậm ngùi, lại vừa như khuyên mình gắng gượng:

“Tuyền hạ thừa hoan, ưng tri quân hữu tử/ Mộng trung đối thoại, thùy vị thiếp vô phu” - Dịch: Dưới suối vàng vui vầy, tỏ biết chàng có con/ Trong giấc mộng chuyện trò, ai bảo thiếp không chồng.

Không chịu để số phận dập vùi, bà về Thăng Long mở lớp dạy học, ngụ ở phường Hà Khẩu (nay thuộc quận Hoàn Kiếm). Học trò theo học rất đông, xa gần đều gọi bà là nữ học sư.

Thơ văn của Đoàn Lệnh Khương đến nay phần lớn đã thất truyền, chỉ còn đôi câu đối và bài thơ “Nước Đằng” lưu truyền trong nhân gian. Bài thơ này bà làm khi còn đi học, nhân lúc cô Điểm giảng sách về nước Đằng: Đằng là nước nhỏ, ở giữa hai nước Tề và Sở, rất khó khăn trong việc bang giao.

Vừa lúc đó nhà hàng xóm có hai bà vợ cãi nhau om sòm, bà Điểm vui miệng bảo học trò vịnh thử và Đoàn Lệnh Khương đã làm bài thơ tứ tuyệt: “Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen/ Lại thêm Tề, Sở ép hai bên/ Quay đầu với Sở e Tề giận/ Ngoảnh mặt với Tề sợ Sở ghen”.

Các tài liệu đều cho biết, nữ học sư Đoàn Lệnh Khương mất năm 1800, hưởng thọ 75 tuổi.

Bài liên quan
Bắc Ninh đóng cửa đền Bà Chúa Kho
Trước tình trạng người dân nườm nượp đến xin lộc, tỉnh Bắc Ninh quyết định đóng cửa và tạm dừng đón tiếp khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho từ ngày 5/2 để phòng chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện thú vị về cô cháu nữ sĩ Đoàn Thị Điểm