Cụ thể, cô bắt đầu đón học sinh từ 7h15 đến 7h30. 30 phút tiếp theo, trẻ được cho tập thể dục buổi sáng. Từ 8h đến 9h30, trẻ học môn Tiếng Việt, sau đó giải lao 15 phút rồi tiếp tục vào học môn Toán cho đến 11h. Đến 14h, sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, trẻ được cho 30 phút để vệ sinh và ăn chiều. Tiếp đó, trẻ được học các môn như Tiếng Anh, luyện chữ đẹp, kỹ năng sống. Ngày học của trẻ kết thúc vào 16h45.
Nói về việc công khai mở lớp dạy hè, chị Thanh Thủy (phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 2) cho rằng giáo viên mở lớp cũng xuất phát từ nguyện vọng gửi con của nhiều phụ huynh.
Ví dụ gia đình chị Thủy, cứ vào dịp hè, vợ chồng chị lại lo sốt vó vì không biết gửi con cho ai. Cả chị và chồng đều là dân văn phòng, đi làm 8 giờ mỗi ngày, không có thời gian ở nhà để chăm sóc con nên phương án duy nhất là gửi con đi học ở những lớp bán trú do giáo viên mở.
Biết rõ việc gửi con đi học hè ngay khi mới tổng kết năm học sẽ khiến con buồn vì không được nghỉ ngơi, vui chơi như các bạn, nhưng chị Thủy vẫn đành phải làm như vậy vì không yên tâm để con ở nhà.
“Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, nhiều khi còn đi công tác xa. Ông bà cũng ở xa không chăm cháu được nên tôi đành phải gửi con đi học hè. Nếu các lớp hè, lớp bán trú bị cấm hoạt động, vợ chồng tôi sẽ không biết xoay xở như thế nào”, chị Thủy tâm sự.
Nhiều địa phương cấm dạy thêm dịp hè nhưng giáo viên vẫn mở lớp vì phụ huynh có nhu cầu. Ảnh minh họa: Pexels. |
Kỳ nghỉ hè năm 2023, một số địa phương trên cả nước cấm hoạt động dạy thêm trong dịp hè. Ví dụ, Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo các trường không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức, kể cả trong và ngoài trường, ngoại trừ học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn tập, chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Tương tự, Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu trường học các cấp không tổ chức dạy hè từ ngày 1/6-31/8 cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 dưới mọi hình thức. Riêng học sinh lớp 9, 12, trường xây dựng kế hoạch học tập nhưng phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT TP cũng yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức; không tổ chức dạy trước chương trình, ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp cho năm học 2023-2024. TP.HCM cũng yêu cầu không tổ chức dạy văn hóa cho học sinh trong dịp hè.
Dù các địa phương đã có quy định về việc dạy thêm dịp hè, tình trạng giáo viên mở lớp vẫn rất khó kiểm soát. Cô T.N., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nói rằng năm nào cũng có lệnh cấm nhưng giáo viên vẫn mở lớp hè vì phụ huynh có nhu cầu gửi con, muốn con học trước kiến thức lớp mới để khi vào năm học không bị tụt lại.
Phụ huynh muốn gửi con để yên tâm đi làm, giáo viên lại muốn kiếm thêm thu nhập trong dịp hè. Có cung có cầu, việc dạy thêm vẫn diễn ra hàng năm và phát triển thêm nhiều hình thức như dạy kèm 1:1, dạy theo nhóm (do phụ huynh tự tổ chức và mời giáo viên), dạy theo lớp (giáo viên tự mở lớp).
Nói thêm về việc giáo viên công khai tuyển học sinh trên mạng xã hội, cô N. nói rằng hình thức này mới xuất hiện trong vài năm gần đây và thường được giáo viên trẻ áp dụng. Cách làm “truyền thống” hơn thường là truyền miệng.
Ví dụ, vào ngày tổng kết năm học, giáo viên sẽ thông báo với lớp là thầy/cô sắp mở lớp dạy thêm, các học sinh có nhu cầu có thể nói với phụ huynh để phụ huynh đăng ký với cô. Sau khi xây dựng được “thương hiệu”, các phụ huynh, học sinh sẽ tự truyền tai nhau rồi kéo đến đăng ký cho con học.
“Đứng trên cương vị là giáo viên thì tôi hiểu việc các giáo viên mở lớp hè cũng vì miếng cơm manh áo. Lương giáo viên không cao, 3 tháng hè rảnh rỗi nên họ muốn mở lớp dạy thêm cho những học sinh có nhu cầu, đồng thời kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc dạy thêm ngay từ đầu tháng 6 và cũng không ủng hộ việc dạy trước kiến thức cho trẻ. Học hè chỉ nên diễn ra trong khoảng 1-1,5 tháng để ôn lại kiến thức cho trẻ, cũng là cách giúp trẻ ‘nhớ lại cách cầm bút’ trước khi vào năm học mới”, cô T.N. nói.