Dạy con lên kế hoạch cho năm mới

21/01/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không riêng người lớn, trẻ cũng cần lên một số kế hoạch để cải thiện bản thân, từ đó trở thành phiên bản tốt hơn trong tương lai.

Tết này, bạn hãy cùng con đặt ra loạt mục tiêu cho năm mới. Ảnh: The Asian Parent.

Ngày đầu năm thường là thời điểm mọi người chào mừng một khởi đầu mới và đặt ra những kế hoạch mới cho tương lai. Đây cũng là dịp lý tưởng để dạy con lên kế hoạch cho bản thân. Đặc biệt là với trẻ 7-12 tuổi, các em đang ở độ tuổi lý tưởng để học hỏi và thực hiện quyết tâm đã đặt ra.

Tiến sĩ Christine Carter, tác giả cuốn Raising Happiness: 10 Simple Steps for More Joyful Kids and Happier Parents, nói rằng trẻ ở tuổi độ này đã đủ lớn để suy nghĩ về mục tiêu năm mới nhưng cha mẹ vẫn nên hướng dẫn và giúp con đặt ra những định hướng đúng đắn.

Jennifer Kolari, nhà trị liệu dành cho cha mẹ và trẻ em, nói rằng việc cùng con đặt mục tiêu là hoạt động thú vị giúp gắn kết gia đình, cũng là dịp giúp con trưởng thành và thay đổi. Dưới đây là một số gợi ý cha mẹ có thể hướng dẫn con khi lên kế hoạch cho năm mới.

Ăn uống lành mạnh hơn

Khi đặt mục tiêu liên quan việc ăn uống, bạn hãy khuyên con nêu rõ các nội dung cần làm, ví dụ: "Con sẽ uống hai ly sữa mỗi ngày thay vì uống hai ly soda", "con sẽ ăn hai miếng trái cây vào bữa trưa mỗi ngày". Đôi khi, trẻ chưa nắm rõ các kiến thức liên quan dinh dưỡng nên bạn hãy gợi ý và điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân, tình trạng sức khỏe của con.

dat muc tieu nam moi anh 1
Bạn hãy cùng con đặt ra mục tiêu ăn uống để cải thiện sức khỏe. Ảnh: Dean Hindmarch.

Bác sĩ Kristen Eastman, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Nhi Cleveland (bang Ohio, Mỹ), khuyên cha mẹ nên tập trung vào mục tiêu mà con bạn cần cải thiện, đồng thời thảo luận vì sao mục tiêu đó lại quan trọng với các con.

Khi hướng dẫn con lên kế hoạch ăn uống, ví dụ hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, bạn cũng nên gợi ý con nên ăn món gì thay thế. Với trẻ không thích ăn rau nhưng phải đặt mục tiêu ăn rau, bạn hãy cùng con thống nhất lịch ăn rau hoặc số lượng cụ thể trong tuần.

Vận động nhiều hơn

Bác sĩ Kristen Eastman nói rằng cụm từ "tập thể dục" có thể khiến trẻ nhàm chán và không muốn thực hiện mục tiêu. Để tránh tình trạng này, cha mẹ nên hướng dẫn con đặt mục tiêu theo cách vui vẻ, hấp dẫn hơn.

Ví dụ, thay vì viết "con sẽ tập đá bóng", trẻ có thể viết là "con sẽ tham gia một đội bóng". Hoặc thay vì viết "con sẽ tập yoga", trẻ nên viết là "con sẽ đến lớp yoga với mẹ vào thứ 7 hàng tuần".

Hạn chế dùng thiết bị điện tử

Nhiều trẻ đã quen dùng thiết bị điện tử mỗi ngày nên việc hạn chế sử dụng đôi khi sẽ rất khó khăn. Nếu muốn con thực hiện tốt mục tiêu này, bạn nên hướng dẫn con đặt mục tiêu kép, thay vì chỉ nêu mục tiêu đơn giản như "con sẽ giảm thời gian dùng đồ điện tử".

Mục tiêu kép cụ thể là "giảm gì, tăng gì" và nêu rõ thời gian sử dụng. Ví dụ, trẻ có thể viết mục tiêu là: "Con sẽ đọc sách 30 phút trước khi ngủ thay vì xem tivi". Như vậy, trẻ sẽ giảm được thời gian dùng đồ điện tử, đồng thời tăng thêm thời gian đọc sách.

Học kỹ năng mới, dành thời gian cho gia đình

Thay vì chỉ vùi đầu trong sách vở hoặc dành hàng giờ ngồi trước màn hình máy tính, trẻ nên dành thời gian học thêm những kỹ năng mới phục vụ sở thích, đồng thời định hướng tương lai. Ví dụ: "Con sẽ học làm bánh quy để thử kinh doanh", "con sẽ học hát để sau này làm ca sĩ"...

Bên cạnh đó, trẻ cũng cần lên kế hoạch dành cho gia đình. Bạn hãy gợi ý con đặt ra mục tiêu dành thời gian cho gia đình như một cách để con và cha mẹ có thêm cơ hội gắn kết, chia sẻ với nhau. Ví dụ: "Chúng ta sẽ cùng nhau đi ăn sáng vào chủ nhật hàng tuần", "chúng ta sẽ cùng nhau chơi game vào tối thứ 6 hàng tuần"...

Bài liên quan
13 cách dạy con tập trung học hiệu quả
(GDTĐ) - Nhiều phụ huynh thiếu phương pháp, không biết cách dạy con tập trung để có kết quả học tập đạt chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy con lên kế hoạch cho năm mới