Du học sinh tại Anh bị đuổi học oan vì bê bối gian lận thi TOEIC

22/03/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một nhóm sinh viên quốc tế và các nhà vận động đang kêu gọi thủ tướng Anh hỗ trợ sau những cáo buộc gian lận oan trong kỳ thi TOEIC cách đây gần 10 năm.

Các sinh viên này đã bị thu hồi thị thực từ năm 2014, sau khi một phóng sự tài liệu của BBC đưa tin về việc gian lận của 2 trung tâm kiểm tra ngôn ngữ tại Anh dành cho sinh viên quốc tế.

Theo kết quả điều tra, chỉ sau một đêm, Chính phủ Anh đã thu hồi toàn bộ thị thực của hàng chục nghìn sinh viên. Bộ Nội vụ sau đó bị chỉ trích về hành động xử lý gây sốc này.

Các sinh viên quốc tế lập tức bị đuổi khỏi trường đại học. Dù có một số người kháng cáo, hầu hết sinh viên buộc phải trở về nước, không có quyền ở lại và làm việc tại Anh.

gian lan tieng Anh anh 1
Nhóm sinh viên quốc tế nói trên đang kêu gọi thủ tướng Rishi Sunak giúp đỡ họ bằng cách cung cấp phương án xóa tên khỏi cáo buộc gian lận. Ảnh: Reuters.

Kêu gọi giúp đỡ

Sau gần 10 năm, hiện tại, một nhóm sinh viên quốc tế đang kêu gọi Thủ tướng Rishi Sunak giúp đỡ họ bằng cách cung cấp phương án xóa tên khỏi cáo buộc gian lận. Bản kiến nghị đã được đệ trình lên các nhà chức trách.

Theo đó, nhóm sinh viên mong muốn được hỗ trợ như sau:

  • Sinh viên có cơ chế để nộp đơn xin quyết định hoặc xem xét lại trường hợp của họ. Các cơ chế này sẽ đơn giản và miễn phí.
  • Cáo buộc gian lận được xóa bỏ trong hồ sơ nhập cư.
  • Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quay trở lại học tập, hỗ trợ những người có thị thực lao động tìm việc làm mới hoặc giúp họ khởi động lại công việc kinh doanh bằng cách loại bỏ các rào cản do cáo buộc gian lận tạo ra.

Migrant Voice - tổ chức hỗ trợ nhóm sinh viên nói trên - cho biết những người còn ở lại Anh đang cố gắng minh oan. Họ phải vật lộn với tình trạng vô gia cư, chi phí pháp lý khổng lồ, bệnh tật và gặp khó khăn với các vấn đề cá nhân khác.

Trước đó, các báo cáo của thẩm phán, quốc hội và cơ quan giám sát đã nêu rõ những sai sót trong bằng chứng cáo buộc gian lận. Một số sinh viên đã thắng kiện, nhưng những người khác vẫn ở trong tình trạng lấp lửng, chờ ngày được minh oan.

Nhóm sinh viên bị ảnh hưởng nhiều nhất là người Ấn Độ. Một phụ nữ 46 tuổi đã phải rời xa con cái hơn một thập kỷ, cô không thể trở về quê hương khi những cáo buộc gian dối vẫn đeo bám.

gian lan tieng Anh anh 2
Năm 2014, chính phủ Anh đã thu hồi toàn bộ thị thực của hàng chục nghìn sinh viên chỉ sau một đêm. Ảnh minh họa: Pexels.

Hành động vội vàng của Bộ Nội vụ

Năm 2014, chương trình Panorama của BBC đã phát hiện gian lận trong bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế (TOEIC) của du học sinh tại 2 trung tâm ở London.

Theo đó, BBC quan sát thấy những thí sinh trong các kỳ thi của Viện Khảo thí Giáo dục Anh (ETS) được thay thế bằng “những người thi hộ” và được đọc sẵn đáp án. Chính phủ Anh đã yêu cầu ETS làm rõ các cáo buộc.

Theo kết quả điều tra của ETS, Bộ Nội vụ đột ngột chấm dứt thị thực của hơn 34.000 sinh viên nước ngoài, khiến sự hiện diện của họ ở Anh là bất hợp pháp chỉ sau một đêm. Ngoài ra, hơn 22.000 người khác cũng được thông báo kết quả kiểm tra của họ có vấn đề.

Tuy nhiên, năm 2019, một báo cáo của Cơ quan Kiểm soát tài sản công cho thấy Bộ Nội vụ đã có quyết định trừng phạt vội vàng mà không xác định liệu ETS có liên quan đến gian lận hay không hoặc các bằng chứng liệu có đáng tin cậy.

Cách xử lý của Bộ Nội vụ Anh với hơn 30.000 sinh viên quốc tế giống như cách bộ xử lý vụ bê bối Windrush (một chương trình dành cho người di cư từ vùng Caribe tới Anh có cơ hội được nhập quốc tịch miễn phí).

“Hoàn toàn không thể chấp nhận được! Hiện tại, hàng trăm người vẫn khẳng định mình vô tội nhưng Bộ Nội vụ đã không hành động để sửa chữa những sai lầm do hành động của mình gây ra", báo cáo nêu rõ.

Bà Nazek Ramadan, Giám đốc của Migrant Voice, cho biết đây là một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử đương đại nước Anh. Phản ứng ban đầu của chính phủ là không công bằng nhưng đã kéo dài trong nhiều năm.

Vụ việc đáng lẽ nên được giải quyết bằng một giải pháp đơn giản, chẳng hạn cho phép sinh viên thực hiện lại các bài kiểm tra.

"Sinh viên quốc tế đến đây để có được một nền giáo dục tốt, nhưng thay vào đó, cuộc sống của họ bị hủy hoại. Đã đến lúc chính phủ phải vào cuộc và chấm dứt cơn ác mộng này”, bà Nazek Ramadan nói.

Bài liên quan
Gần 1000 thí sinh tham dự Đại hội TOEIC 2022
Ms Hoa TOEIC vừa tổ chức Đại hội TOEIC 2022 tại Hà Nội và TPHCM nhằm tạo ra cơ hội thử sức và học hỏi cho người học tiếng Anh với quy mô gần 1000 thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du học sinh tại Anh bị đuổi học oan vì bê bối gian lận thi TOEIC