Gánh nặng học phí tăng áp lực cho sinh viên khi chọn trường

Minh Phong | 12/05/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2023 - 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học dự kiến tăng học phí. Thông báo này khiến thí sinh băn khoăn, áp lực khi lựa chọn trường học.

Với chị Nguyễn Thanh Trà (Nông Cống, Thanh Hóa), các trường đại học tăng học phí đồng nghĩa với gia tăng gánh nặng, áp lực tài chính lên hai vợ chồng. Chị Trà có 3 con. Cháu lớn là sinh viên năm thứ 2. Cháu thứ hai học lớp 12, dự kiến đăng ký xét tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Còn cháu út chuẩn bị thi vào lớp 10. “Hai vợ chồng làm phu hồ, làm được bao nhiêu tập trung lo cho các cháu ăn học nên “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”. Vì thế, tôi rất lo nếu học phí của trường đại học tiếp tục tăng”, chị Trà bộc bạch.

Nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với người học, các cơ sở giáo dục đại học có chương trình học bổng dành cho sinh viên. TS Dương Thành Huân, Phó Trưởng ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, mỗi năm Học viện dành gần 30 tỷ đồng để cấp học bổng cho sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện đạt từ khá trở lên. Ngoài ra, Học viện còn hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp, cấp học bổng gần 2 tỷ đồng/năm để tài trợ cho sinh viên tài năng, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

PGS.TS Lê Đình Tùng cho hay, Trường ĐH Y Hà Nội luôn thúc đẩy tìm kiếm nguồn học bổng, tài trợ từ các doanh nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể theo đuổi ước mơ học tập.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cơ sở giáo dục thông báo tăng học phí từ năm học 2023 - 2024 là điều tất yếu. Tuy nhiên, tăng như thế nào là vấn đề cần đặt ra. Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo. Với trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ nguồn: Ngân sách Nhà nước; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo.

Để không là gánh nặng cho người học, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, học phí đại học phải phù hợp với thu nhập của người dân. Các trường không thể lấy cớ là tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo để “vẽ ra” chi phí rồi thu học phí. Nếu không, con em hộ nghèo, những người có thu nhập thấp khó có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.

“Do đó, bên cạnh sự chủ động tìm kiếm, gia tăng nguồn thu từ dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ của nhà trường, cần đến sự đầu tư phù hợp từ Nhà nước”, TS Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương khuyến nghị, một trong những nguyên tắc để chọn ngành, chọn trường đại học là, thí sinh cần căn cứ vào năng lực tài chính của gia đình. Theo đó, nếu ngành học có học phí quá cao, các em nên cân nhắc việc đăng ký xét tuyển. Hiện cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình học bổng và nguồn hỗ trợ tài chính để giúp thí sinh thực hiện ước mơ. Các em nên tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) tư vấn, sau khi chọn ngành, các em hãy lựa chọn đến trường. Lựa chọn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Uy tín, chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Ngoài ra, thí sinh cần cân nhắc đến điều kiện tài chính của gia đình có phù hợp để theo học hay không.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khong-de-hoc-phi-tro-thanh-ganh-nang-post638146.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khong-de-hoc-phi-tro-thanh-ganh-nang-post638146.html
Bài liên quan
Thực phẩm giúp chị em ham muốn chuyện ấy
Thường xuyên ăn 5 loại thực phẩm dưới đây có thể nâng cao sức khỏe tổng thể cũng như chức năng tình dục, giúp chị em ham muốn chuyện ấy hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gánh nặng học phí tăng áp lực cho sinh viên khi chọn trường