Trước đây, các nhà khoa học đã tạo ra những con chuột mà về mặt kỹ thuật là sinh ra từ hai con chuột đực, thông qua một chuỗi các bước phức tạp, bao gồm cả kỹ thuật di truyền. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trứng được nuôi cấy thành công từ tế bào con đực và đánh dấu một bước tiến đáng kể. Nhóm của ông Hayashi hiện đang cố gắng tái tạo thành tựu này với tế bào người, mặc dù sẽ có những trở ngại đáng kể trong việc sử dụng trứng nuôi trong phòng thí nghiệm cho mục đích lâm sàng.
"Về mặt công nghệ, việc này là khả thi [ở người] thậm chí ngay trong 10 năm tới", ông nói. Ông cho biết cá nhân ông sẽ ủng hộ việc ứng dụng công nghệ này để giúp hai người đàn ông có con nếu sự an toàn được chứng minh.
Kỹ thuật này cũng có thể được ứng dụng để điều trị các dạng vô sinh nghiêm trọng, bao gồm phụ nữ mắc hội chứng Turner. Theo ông Hayashi, đây là động lực chính cho nghiên cứu.
Những người khác cho rằng việc áp dụng kỹ thuật này trên tế bào người có thể là một thách thức. Các tế bào người cần thời gian nuôi cấy lâu hơn nhiều để tạo ra một quả trứng trưởng thành, và điều này có thể làm tăng nguy cơ các tế bào mắc phải những thay đổi di truyền không mong muốn.
Theo giáo sư George Daley, hiệu trưởng Trường Y Harvard, các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng việc tạo ra giao tử nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ tế bào người khó hơn so với tế bào chuột.