“Những tiết áp dụng khoa học công nghệ trên lớp đã khơi dậy tình yêu và niềm đam mê khoa học, đồng thời dạy chúng em biết ý nghĩa của khoa học trong cuộc sống. Hiểu rằng những phát minh nhỏ cũng có thể làm thay đổi cuộc sống, chúng em muốn giải quyết những vấn đề bức xúc ngay bên cạnh mình như ô nhiễm ao, nguồn đất, hay cải tiến những máy móc, thiết bị...”, em Lê Huyền Trang, học sinh lớp 12A1, người thực hiện dự án chia sẻ.
Vì là sản phẩm bảo vệ môi trường nên nguyên liệu dùng được tái chế hoặc tận dụng phế thải trong cuộc sống. Để có đủ vỏ chai nhựa dành cho thực nghiệm, nhóm đã tự đóng góp tiền mua hàng chục chậu cây xanh xinh xắn tổ chức chương trình đổi chai nhựa lấy chậu cây.
Trong quá trình hoàn thiện mô hình, nhóm đều tránh hoặc giảm thiểu nhất ảnh hưởng đến môi trường. Nguyên vật liệu đều là tái chế, sử dụng pin năng lượng Mặt trời, cây thủy canh tìm kiếm có sẵn trong thiên nhiên...
“Tình yêu khoa học là điều kết nối và gắn kết chúng em. Tham gia thực hiện dự án chúng em không những có thêm nhiều kỹ năng mới như làm việc đội nhóm, giao tiếp, thuyết trình trước đám đông... mà còn ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Em và các bạn sẽ tiếp tục tham gia những dự án khoa học của trường, để được đóng góp một phần sức lực cho công tác bảo vệ môi trường...”, Nguyễn Hải Anh chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Lan Phương - Trường THPT Hoằng Hóa 4, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ đây là lần đầu tiên các em học sinh làm đề tài, làm việc nhóm không liên quan nhiều đến sách vở. Nhóm rất phấn khởi vì các bạn thấy góp phần nhỏ bé cải thiện môi trường. Đây là hoạt động của nhiều lĩnh vực, có sự hỗ trợ của nhiều giáo viên trong trường mới hoàn thành được đề tài để được đánh giá cao.
Thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các diễn đàn, các cuộc thi, hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế đã phát huy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo và cống hiến của tuổi trẻ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.