Lan toả vẻ đẹp từ giấy điệp truyền thống

Trần Hoà | 15/03/2022, 09:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) Giấy điệp – chất liệu dân gian của làng tranh Đông Hồ được một hoạ sĩ trẻ ở Đà Nẵng chọn để thực hành nghệ thuật đương đại.

Nét vẽ lấp lánh trên giấy điệp

Dù giấy điệp là chất liệu dân gian của Việt Nam, thế nhưng không nhiều hoạ sĩ theo đuổi – bởi nhiều lý do. Mifa cho biết, tuổi thơ của cô gắn liền với bãi biển để nhặt vỏ sò, vỏ ốc. Cô muốn trở về tuổi thơ cùng chất liệu giấy điệp, để lan toả vẻ đẹp truyền thống như thi sĩ Hoàng Cầm đã viết trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”.

Với người làng Đông Hồ, kỹ thuật làm giấy điệp không còn xa lạ, nhưng đến nay rất ít người hiểu rõ về giấy điệp. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, giấy điệp chính là giấy dó quét điệp lên. Nhờ có lớp bột điệp mà tranh Đông Hồ óng ánh độc đáo, khác biệt so với các tranh dân gian ở Việt Nam.

Cũng bởi điều này, dòng tranh Đông Hồ vẫn được mang danh là “tranh điệp”. Quy trình sản xuất bột điệp khá công phu. Người ta phải ra biển mới thu lượm được xác vỏ điệp chuyên để làm giấy. Loại điệp này sống ở vùng nước nông ven bờ biển. Khi mang vỏ điệp về, người thợ rửa thật sạch, phơi khô, cho vào cối giã như giã gạo trong 2 tiếng mới thành bột điệp.

Bột điệp đem hòa với nước rồi nắm lại như nắm xôi, đem phơi khô để dùng dần. Khi làm tranh dân gian, người ta đem bột đó khuấy với hồ làm từ bột nếp tạo ra một loại hồ nhuyễn, sền sệt rồi dùng chổi thông quét lên mặt giấy dó để tạo ra loại giấy điệp chuyên dụng.

Kết hợp giữa chất liệu truyền thống giấy điệp và màu acrylic hiện đại trong các thực hành nghệ thuật đương đại. Đó không chỉ là thách thức, mà còn là tình yêu rất lớn với nghệ thuật dân gian đang dần mai một của hoạ sĩ trẻ như Mifa.

giay-diep-2.jpg

Không gian triển lãm “Điệp”.

So với giấy dó thì giấy điệp có độ thấm nước ít và độ loang màu khá chậm. Bởi vậy, người vẽ phải thử nghiệm nhiều kỹ thuật, cũng như cách thức tiệm cận. Mifa cho biết, cô phải đặt mua giấy điệp từ làng nghề thủ công ở Bắc Ninh mang về Đà Nẵng. Sau hơn 4 năm thực hành hội hoạ với giấy điệp, Mifa lại lặn lội đem các tác phẩm ra Hà Nội để lan toả vẻ đẹp bừng sáng lấp lánh của chất liệu dân gian.

Nhìn tranh Mifa, người xem thấy chất mộng, chất thơ cùng những nỗi niềm rất riêng và lạ của cô gái Đà Thành. Những sóng biển lúc cuộn trào, lúc êm ả vỗ về trong tranh. Những khắc khoải tâm tư, và cả những huyền tích của quá khứ, truyện thần thoại hiện cách hư ảo đầy thần bí.

Mifa từng nghe câu chuyện trục vớt thuyền cổ chở gốm Chu Đậu chìm từ thế kỷ 16 ở Cù Lao Chàm. Cô chuyển tải vào “Bộ 5 thế kỉ chìm dưới biển sâu” với các nét vẽ và mảng màu mơ màng như lớp phù sa mỏng phủ trên hiện vật.

Nếu như tranh Đông Hồ thừa hưởng kỹ thuật in khắc gỗ và cách phối màu riêng biệt, thì Mifa sáng tạo ngẫu hứng theo kỹ thuật hiện đại. Tuy vậy, giấy điệp vẫn giữ được hồn cốt truyền thống để điểm tô những sắc màu mới – làm nền cho ý tứ sáng tạo của nghệ sĩ.

Bài liên quan
Cần tháo gỡ ngay những bất cập trong thực thi Luật Di sản văn hóa
(GDTĐ) - Ngày 12/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan toả vẻ đẹp từ giấy điệp truyền thống