Các trường không đủ điều kiện tự chủ với lý do: Chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học (chiếm 18,53%), chưa thành lập hội đồng trường (chiếm 7,5%). Nguyên nhân còn lại là chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác (ví dụ như chưa chuyển đổi mô hình tổ chức từ dân lập sang tư thục).
"Trong số 23 trường đầu tiên thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ đến nay 3 trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục đại học mới. Nguyên nhân, các trường đã trình cơ quan quản lý trực tiếp về việc thành lập hội đồng trường nhưng chưa được phê duyệt", bà Thuỷ nói.
Năm 2023, vấn đề tự chủ đại học vẫn được coi là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều thách thức. Thứ nhất là nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ, năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển, từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số hội đồng trường chưa thực sự hiệu quả, mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu chưa mang lại sức mạnh nội tại cho cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết.
Thứ hai, thu hút nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn chế, nhiều bên liên quan vẫn hiểu tự chủ là “tự lo”. Đây là những nhận thức chưa đúng đắn và phù hợp.
Do vậy, các trường cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường. Đồng thời, nhà trường cần phân công trách nhiệm rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thiết chế, mỗi thành viên hội đồng trường trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của cơ sở đào tạo, đảm bảo ổn định và phát triển cơ sở đào tạo.