Năm lớp 11, khi đang theo học một trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Thuận đoạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Với những thành tích đạt được, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã làm hồ sơ tuyển đặc cách bổ sung vào học lớp 12 tại ngôi trường mà em đã từng thi trượt (Trường THPT chuyên Bắc Ninh).
Bước chân vào ngôi trường mới, Thuận phát huy khả năng của mình bằng những giải thưởng cao quý. Nam sinh lọt vào đội tuyển tin học của tỉnh, quốc gia và là 1 trong 15 học sinh của đội tuyển Tin học của Việt Nam dự thi Olympic Tin học châu Á.
Ngược quá khứ khi Thuận học lớp 5, em nhận “món quà” từ đơn vị quân đội nơi cha đang công tác - một chiếc laptop cũ. Chiếc máy tính tuy không đắt tiền nhưng là tình thương, bảo bọc của những người lính cho con đồng đội.
Theo cô San, từ ngày có chiếc máy tính, Thuận đã thuận lợi hơn trong quá trình học hành. Khi học THCS, thấy Thuận đam mê tin học, người thân đã hướng những dòng mã (code) đầu tiên trong lập trình. Những con số, thuật toán vô tri kia lại cuốn hút Thuận lạ kỳ. Hành trình khám phá tính năng chiếc máy tính của Thuận bắt đầu từ đó.
TS Đỗ Đức Đông, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ, hai thầy trò gặp và quý mến nhau từ trại hè do Trung ương Đoàn tổ chức ở Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh nhiều năm trước.
Ấn tượng của thầy Đông với cậu học trò quê Kinh Bắc là tính toán chính xác, rõ ràng những dòng code trong đầu rồi mới gõ lên máy tính. Bởi khi lập trình, nếu thuật toán sai thì phải gõ lại từ đầu. Nếu thuận gõ đi gõ lại sẽ mất nhiều thời gian hoàn thành, hiệu quả cũng giảm đi.
“Thuận đã làm được những điều mà người bình thường cũng khó thực hiện. Để đạt được, Thuận phải có nghị lực rất lớn kèm một trí tuệ rất tốt…”, thầy Đông tâm sự.
Để trò thỏa đam mê, TS Đỗ Đức Đông đã gợi ý em tham gia nhóm nghiên cứu phần mềm AI nhận diện và hỗ trợ chuyển đổi phát âm theo ngữ điệu của người khuyết tật giọng nói dưới sự hỗ trợ của PGS.TS Lê Thanh Hà (Trường Đại học Công nghệ).
Nghiên cứu xuất phát từ thực tế nhiều người khuyết tật, người già phát âm không chuẩn hoặc rối loạn giọng nói. Trí tuệ nhân tạo được “cấy” trong phần mềm sẽ nhấn nhá sao cho tự nhiên nhất. Với việc “tự học” từ cá nhân cụ thể, phần mềm này cần tích hợp trong điện thoại, máy tính…
Theo Nguyễn Đức Thuận, khó khăn khi thực hiện nghiên cứu là dữ liệu “nuôi” AI rất ít, tiếng Việt có nhiều giọng điệu, vùng miền, nhiều từ đọc gần giống nhau… Tuy nhiên, với công nghệ hiện tại, Thuận và các bạn đang tìm tòi để sớm đưa phần mềm thử nghiệm.
“Chúng em cố gắng đưa phần mềm vào cuộc sống. Nó sẽ giúp những người gặp vấn đề phát âm giao tiếp dễ dàng hơn. Cuộc sống sẽ có nhiều niềm vui hơn khi được nói những gì mình mong muốn…”, Nguyễn Đức Thuận bộc bạch.
Chia vui về cựu học sinh Nguyễn Đức Thuận, thầy Hà Huy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Ninh - nhấn mạnh, Thuận không chỉ là niềm tự hào của thầy trò các thế hệ nhà trường, mà còn lan tỏa về tinh thần, nghị lực học tập cho học sinh đất Kinh Bắc hiếu học.