Chiếc kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân được chốt ở mức giá 91.000 euro (2,2 tỉ đồng). |
Mặc dù hoãn bán ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nhưng cuộc đấu sau đó kéo dài suốt 12 giờ đã đem về cho hãng Millon trên 60 tỉ đồng - khi bán trên 300 tranh tượng, cổ vật từ Việt Nam.
Đáng chú ý trong số các hiện vật đấu giá có chiếc bát vàng thời vua Khải Định. Với trọng lượng chừng 500g, chiếc bát đã mang về 884.000 euro (gần 22 tỉ đồng), dù chỉ được ước giá chừng 20.000 - 25.000 euro.
Tiếp theo đó là chiếc kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân hình chữ nhật, trên mặt có chạm nổi hình rồng và cá chép uốn lượn tinh xảo. Chiếc kim bài này thuộc về Paul Simoni từng sống ở Việt Nam trong 25 năm và làm Thủ hiến Bắc Kỳ. Với giá ước định từ 6.000 - 8.000 euro, món cổ vật đã được chốt ở mức giá 91.000 euro (2,2 tỉ đồng), tính cả thuế phí.
Như vậy, cho đến giờ phút này, bảo vật ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” vẫn an toàn trong kho của nhà đấu giá Milion. Giới sưu tầm cho rằng, đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam đàm phán hồi hương cổ vật.
Một số trí thức Việt Nam sống và làm việc tại nước ngoài - trong những ngày qua – cũng có thư gửi Chủ tịch hãng đấu giá Millon. Đồng thời đưa ra luận chứng lịch sử khi vua Bảo Đại trao ấn và kiếm “Khải Định Niên Chế” cho các đại diện của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 28/2/1952, trong khi đào móng một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô (Hà Nội), để tìm vật liệu xây lô cốt, người Pháp đã phát hiện ấn và kiếm chôn dưới đó. Mười ngày sau, ngày 8/3/1952 tại Quảng trường Ba Đình, người Pháp đã tổ chức lễ trao ấn và kiếm cho Cựu hoàng Bảo Đại với tư cách Quốc trưởng Việt Nam.
Năm 1953, khi chiến tranh trở nên khốc liệt, Cựu hoàng Bảo Đại đã chỉ thị cho thứ phi Mộng Điệp vận chuyển ấn và kiếm sang Pháp để giao lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Thái tử Bảo Long.
Việc Bảo Đại chiếm hữu ấn và kiếm là không ngay tình. Do đó, không có quyền sở hữu đối với ấn và kiếm. Điều này có nghĩa những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long không có quyền hợp pháp để bán hoặc chuyển nhượng báu vật.
Nhà thơ Lưu Trọng Văn (con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư) - thành viên hoàng tộc - cho biết, chúng ta cần hồi hương cổ vật – nhưng phải chờ phản ứng chính danh của Nhà nước Việt Nam đại diện chủ sở hữu. Trước đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có văn bản trao đổi với Bộ Ngoại giao nhằm có những biện pháp thương thảo liên quan đến chiếc ấn.
“Cách tốt nhất để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” là Việt Nam nên cử phái đoàn qua Pháp làm việc với hãng đấu giá Millon và chủ sở hữu hiện tại, để đàm phán và mua về với giá tốt nhất có thể. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mới là pháp nhân có đầy đủ tư cách pháp lý để đàm phán với chủ sở hữu hiện tại, thông qua nhà đấu giá Milion”
TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế