Cách nào hồi hương cổ vật triều Nguyễn sắp đấu giá tại Pháp?

Trần Hoà | 28/10/2022, 17:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hai cổ vật triều Nguyễn gồm 1 ấn vàng và 1 bát vàng sẽ được đấu giá vào ngày 31/10 tại Pháp.

Cách nào hồi hương cổ vật triều Nguyễn sắp đấu giá tại Pháp? ảnh 1
Năm 1952, người Pháp trao trả bộ ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại.

Cần thiết đưa cổ vật hồi hương

Ấn “Hoàng đế chi bảo” bằng vàng nặng gần 11kg được đúc năm 1823. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng. Giá khởi điểm được hãng Milion đưa ra từ 2 - 3 triệu euro.

Tuy là mức giá “trên trời”, nhưng sự kiện đấu giá mũ quan và áo Nhật Bình không thu hút quá nhiều sự quan tâm, và thực sự không cần thiết để bằng mọi giá hồi hương cổ vật. Lần này lại khác, giới nghiên cứu cho rằng ấn “Hoàng đế chi bảo” là minh chứng trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa lớn. Chính vì vậy, công văn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh “việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…”.

TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nói rằng: “Hoàn cảnh lịch sử đã khiến các cổ vật bị thất tán, theo các nhân vật lịch sử hoặc theo con đường chảy máu cổ vật. Việc xây dựng chiến lược quốc gia nhằm đưa trở lại những di sản văn hóa vật thể về Tổ quốc là vấn đề cấp bách. Việc đó không chỉ có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia, niềm tự hào dân tộc”.

Còn nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn cho rằng, chúng ta cần hồi hương một quốc ấn hay nhiều đồ vật húy tiếu của hoàng triều bị ăn cắp giai đoạn chiến tranh. Vấn đề hồi hương cổ vật cần phải nhìn nhận lại.

Nhà nước mua hết những cổ vật của Việt Nam ở nước ngoài, thì lấy đâu ra tiền? Chúng ta đang có nhiều cổ vật quý hiếm vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho.

“Cổ vật Việt, trừ những gì được đánh giá rất cần phải tìm cách hồi hương. Số còn lại việc đấu giá, sưu tầm trên thế giới với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách khiến cho giới sưu tập cổ vật thế giới biết đến văn hóa Việt Nam”, ông Trần Đình Sơn chia sẻ.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: “Với những bảo vật đặc biệt như thế này, tôi nghĩ chỉ có một cách - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gửi tờ trình đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ tướng, đề nghị cử người trực tiếp đàm phán với nhà đấu giá Milion để mua hai bảo vật này - đặc biệt là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo”. Trước khi Milion mở phiên đấu giá, một khi cổ vật đã lên sàn công khai, thì giá cả sẽ diễn biến khôn lường”.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham gia đàm phán hoặc tham gia đấu giá để hồi hương cổ vật hay không vẫn là câu hỏi rất khó trả lời. TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định: “Từ trước đến nay, chưa có một bảo tàng công lập nào ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật thành công, do những rào cản của thủ tục và hạn chế về nguồn lực tài chính”.

Bài liên quan
Thanh niên quê Hà Nam rủ bạn ăn trộm cổ vật
Thanh niên quê Hà Nam đã rủ bạn gây ra 13 vụ trộm cổ vật tại các đình, chùa ở Hà Nội và huyện Bình Lục (Hà Nam).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách nào hồi hương cổ vật triều Nguyễn sắp đấu giá tại Pháp?