Xã Nghĩa Đô (Bảo Yên – Lào Cai) hiện nay là nơi cuối cùng xót lại những ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Tày. Dù kinh tế thị trường đang “bào mòn” các giá trị nhà cổ nhưng người bản địa ở Nghĩa Đô vẫn giữ nguyên được cách làm nhà độc đáo.
Trước khi làm một ngôi nhà sàn mới, người Tày ở Nghĩa Đô đều có một phong tục không thể thiếu là cúng ma tổ. Ma tổ theo quan niệm của người Tày ở tức là tổ tiên. Trước khi làm một việc gì quan trọng, người Tày đều phải sắm lễ cúng ma tổ để mọi việc xuôi chèo mát mái.
Hôm nay, anh Ma Thanh Su con trai của nghệ nhân nổi tiếng xứ Tày của Lào Cai là ông Ma Thanh Sợi có một sự kiện quan trọng nhất của đời người là dựng nhà sàn.
Người Tày ở Nghĩa Đô trước khi dựng nhà phải chuẩn bị đủ nguyên vật liệu, đó là gỗ, đá và lá cọ. Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, gỗ có nhiều loại, làm cột trụ thì dùng lim hoặc dổi, làm kèo thì có pơ mu hoặc nghiến.
Nếu quý hơn thì có đinh hương hoặc gỗ táu. Riêng phần sàn nhà thì tùy điều kiện gia chủ. Có thể đó là gỗ mít, xoan hoặc lát sao cho vững chãi và bền đẹp.
Đá dùng để làm đế cho các cột trụ, đá cũng có tác dụng giúp chân trụ bị mối mọt hay ẩm ám và sâu xa hơn cũng là cách để cột gỗ không bị lún xuống đất. Đá phải được chọn lựa là loại đá xanh già tuổi. Đá được các thợ tiện bào nhẵn thành hình tròn hoặc vuông (tùy theo sở thích và mệnh tuổi của gia chủ). Nếu thiếu đá, ngôi nhà sàn sẽ mất đi sự uy nghiêm và không còn linh thiêng.
Lá cọ dùng để lợp mái. Mái nhà sàn thực ra không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Cọ được dùng để lợp có hai loại: cũ hoặc mới. Nhưng thông thường, người Tày vẫn muốn dùng lá cọ cũ vì đã được hun khói nên bền và tránh được mùi.
Khi đủ các nguyên liệu, công cuộc dựng nhà sàn không quá phức tạp. Tuy nhiên, để lắp ghép ngôi nhà thì khá kỳ công. Phải là những người thợ lành nghề, từ khâu đục đẽo đến bào cưa phải hết sức hài hòa. Ở Nghĩa Đô, ngôi nhà sàn được gọi là cổ vì khác với tất cả mọi vùng miền, nhà sàn thường ghép đôi, tức là một nhà chính và một nhà phụ.
Nhà chính rộng và uy nghi hơn dùng để tiếp khách, nhà phụ nhỏ hơn dùng để làm bếp và nơi ăn uống tắm rửa. Thế nên, để dựng được một ngôi nhà sàn, thời gian thường kéo dài từ 1-3 tháng.
Trong suốt thời gian làm nhà các nghi thức cần phải được tuân thủ. Mỗi bữa ăn đều là một nghi lễ, người Tày thường dùng thịt chó, thịt mèo hoặc lợn cắp nách để chiêu đãi họ hàng và thợ. Họ quan niệm, đó là sự thịnh vượng của chủ nhà trước – trong và sau khi dựng nhà.
Ngôi nhà sàn của nghệ nhân Ma Thanh Sợi có tuổi thọ 85 năm, là một trong những ngôi nhà cổ và đẹp nhất Nghĩa Đô đã từng được trả với giá 2 tỷ đồng. Thế nhưng dân buôn nhà sàn vẫn không có được báu vật ấy, đơn giản vì ngôi nhà tiếng nói và phẩm chất của chủ nhà.
Không chỉ có ngôi nhà sàn của ông Ma Thanh Sợi mới được trả giá cao, ở Nghĩa Đô còn hơn 50 ngôi nhà có tuổi thọ trên 60 năm cũng được ngã giá tiền tỷ. Nhưng người Tày ở Nghĩa Đô không một ai dám bán, vì theo họ, bán nhà là bán cả tổ tiên.