Đánh thuế đồ uống có đường để giảm thừa cân béo phì
Trên thế giới, đã có một số quốc gia áp dụng thuế TTĐB lên sản phẩm đồ uống có đường. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa được chứng minh mang lại hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ thừa cân béo phì, thậm chí còn gây ra những tác động ngược đến nền kinh tế và đời sống.
Năm 2012, Đan Mạch đã phải bãi bỏ thuế TTĐB với nước ngọt vì chính sách này gây ra tình trạng thất nghiệp, tăng lạm phát, tăng chi phí hành chính cho doanh nghiệp, trong khi có tác động không đáng kể đối với việc tiêu dùng thực phẩm và đồ uống.
Tại khu vực châu Á, một số nước như Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei đã áp thuế TTĐB với đồ uống có đường nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì ở các quốc gia này vẫn liên tục tăng.
Trong khi đó, việc tăng cường giáo dục để thúc đẩy người dân lựa chọn lối sống lành mạnh lại tỏ ra hiệu quả hơn trong việc giảm thừa cân béo phì, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Quốc gia điển hình đã thành công với phương pháp này là Nhật Bản. Mặc dù thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới nhưng Nhật Bản có tỷ lệ béo phì chỉ là 3,5%.
Để giảm thiểu số người thừa cân và mắc bệnh béo phì, chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe “Y tế Nhật Bản Thế kỷ 21” với hai bộ luật Shuku Iku và Metabo.
Được đưa vào áp dụng năm 2005, bộ luật Shuku Iku định ra quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học, giảng bài về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật Metabo quy định người lớn từ 40 đến 75 tuổi phải có biện pháp kiểm soát thường xuyên chu vi vòng eo của mình để tránh các bệnh tim mạch (Nam giới dưới 94cm và nữ giới dưới 80cm).
Luật cũng yêu cầu các công ty phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.