Trần Liễu được cho là đã cho lập trang ấp ở dưới chân núi An Phụ (nay thuộc phường An Sinh, Kinh Môn - Hải Dương), nhưng sách “Cương mục” lại ghi chú An Sinh ngày nay thuộc Đông Triều (Quảng Ninh). Sau khi Trương Phụ đánh bại nhà Hồ, giặc Minh đã tàn phá hầu hết di tích của Đại Việt gây tổn thất nghiêm trọng về mộ địa của hoàng tộc nhà Trần.
Ngoài các dấu vết tại đền An Sinh, các nhà khoa học còn tìm thấy tại di tích chùa Trại Cấp kiến trúc tường bao, cổng và một số di vật quan trọng.
Di tích này cũng được điều tra và phát hiện năm 2016, khai quật lần 1 năm 2021. Kết quả cho thấy đây là di tích chùa tháp, nằm trong hệ thống di tích chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử. Chùa được xây dựng từ thời Trần và được tu bổ tôn tạo dưới thời Lê trung hưng.
Kết quả sơ bộ trong lần khai quật thứ 2 cho thấy tại 3 hố khai quật trên tổng diện tích 980m2 phát lộ dấu vết kiến trúc thời Trần nằm phía dưới kiến trúc thời Lê trung hưng. Riêng dấu vết tường bao và tam quan được phát hiện ở phía Nam của khu trung tâm, nằm cùng trục chính tâm.
Phần móng tường còn lại rộng 1,3 – 1,6m, tường được xếp bằng cuội, giữa đầm đất theo kiểu trình tường, mái lợp ngói. Giữa hai đoạn tường có một khoảng trống rộng 6,4m được phỏng đoán có thể là phần cổng.
Dấu vết kiến trúc trung tâm tại vị trí thứ nhất, khi cắt qua lớp nền đã tìm thấy dấu vết bó nền của công trình. Dấu vết còn lại cho phép xác định, công trình có mặt bằng hình chữ nhật dài Đông - Tây 8,9m, rộng Bắc - Nam 6,4m.
Gạch lát sân theo kỹ thuật nêm cối, tạo hình đồ án hoa chanh tại di tích An Sinh. |
Với phát hiện này, giới khảo cổ cho biết, dưới thời Trần, kiến trúc trung tâm là một quần thể với nhiều công trình kết nối liên hoàn với kiến trúc trung tâm nằm giữa, bao quanh có các lớp kiến trúc và hành lang.
Tại di tích Am Hoa cách Trại Cấp khoảng 3km được phát hiện năm 2012. Tại đây còn lại dấu vết nền móng được kè xếp bằng đá, gạch ngói, chân tảng. Đáng lưu ý có một tấm bia đá có chữ “Am Hoa tự bi ký”, niên đại thế kỷ 17.
Kết quả khai quật năm 2022 đã phát hiện 7 vị trí nền móng công trình với 10 đơn nguyên kiến trúc. Khu vực nền thứ nhất xuất lộ 23 chân tảng, kè xếp bao quanh nền có hệ thống cống thoát nước. Kiến trúc thứ hai có 8 chân tảng cùng dấu vết bao nền. Các đơn nguyên kết nối liên hoàn tạo thành tổng thể kiến trúc có mặt bằng hình chữ Công (工).
PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, 3 di tích này cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng để nhận diện giá trị và phân bố trong di tích Trúc Lâm Yên Tử. Đồng thời cũng minh chứng Trúc Lâm là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm - kinh đô Phật giáo thời nhà Trần.
“Kết quả khai quật năm 2022 đã phát lộ nhiều nền móng kiến trúc, có thể chứng minh sự tồn tại của dinh phủ An Sinh vương Trần Liễu. Kết quả cũng góp phần bổ sung và hoàn thiện hồ sơ di sản”, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam.