Ngành Giáo dục giai đoạn ấy đâu có “dự án”, hay “chương trình” để tập huấn, bồi dưỡng như những lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa gần đây. Tất cả đều dựa vào sự nỗ lực tự học, tự nghiên cứu của mỗi người và sự hỗ trợ giúp đỡ nhau của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn. Chúng tôi có dịp về thăm cô Phan Thị Thọ, một giáo viên Toán. Cô hỏi: “Hồi cô dạy về ánh xạ, song ánh, toàn ánh, mấy em có hiểu không?”.
“Thưa cô, chúng em có hiểu nhưng không chắc lắm”, chúng tôi trả lời. Cô cho biết, sau mấy năm giảng dạy Toán lớp 10, cô mới hiểu sâu sắc những vấn đề mà cô đã dạy cho các em. Vậy đó, tất cả các môn học, đặc biệt là các môn Khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh đều cao hơn chương trình hệ 10 năm.
Không được tập huấn nhiều, lại thiếu thốn tài liệu và đời sống của giáo viên vô cùng khó khăn. Song, với lòng yêu nghề và trách nhiệm với học trò, tất cả thầy cô ngày đêm tự nghiên cứu, trao đổi với nhau, miệt mài với từng trang giáo án để có thể cho chúng tôi những bài giảng hay và sâu sắc.
Thầy Hiệu trưởng Lê Quang Vãn, với vầng trán cao, nghiêm khắc nhưng lại gần gũi với học trò. Thầy là người đề xướng truyền thống “Chăm học, chăm làm, cầu tiến bộ” của học sinh cấp ba Đông Hà. Được học Toán với thầy Đinh Hữu Trạch, những học sinh như chúng tôi cảm thấy thích thú và yêu Toán hơn, bởi những lập luận logic, sáng sủa với những ví dụ gần gũi trong cuộc sống, đã làm cho chúng tôi hiểu được những khái niệm khó và trừu tượng của Toán học cao cấp như nhóm, vành, trường, số phức...
Chúng tôi nhớ mãi bài giảng của thầy về “Phép kéo theo”: “Đúng kéo theo Đúng là Đúng”; “Đúng kéo theo Sai là Sai”; “Sai kéo theo Đúng là Đúng” và “Sai kéo theo Sai là Đúng”. Những phép toán tưởng chừng khô khan ấy, đã theo chúng tôi suốt cuộc đời.
Thầy giáo dạy văn Lê Ngọc Minh, đã có những bài giảng mà mãi sau này nhiều khóa học sinh còn nhớ và kể lại. Đó là bài giảng về truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu. Lời giảng của thầy còn đọng mãi với học trò: “Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu lại là mảnh trăng tỏa sáng giữa cái không gian đạn bom chết chóc của cuộc kháng chiến ác liệt nhất, dữ dội nhất của dân tộc”; “Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy tình yêu lãng mạn mà cao cả của Nguyệt và Lãm giữa khung cảnh của sự hủy diệt. Đây chính là điều lý giải vì sao dân tộc ta lại chiến thắng một kẻ thù mạnh nhất”.
Là thế hệ học sinh khóa 4, giai đoạn từ năm 1976 - 1979, chúng tôi hội tụ về đây từ những miền quê khác nhau, đa số là học sinh nông thôn. Đã bao nhiêu năm rồi nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác vui sướng pha chút tự hào khi được ôm một chồng sách mới, còn thơm mùi mực in được mượn từ thư viện nhà trường.
Lớp chúng tôi là lớp ban C (Toán, Lý, Hóa), do vậy, chuẩn bị tốt nghiệp và làm hồ sơ dự thi đại học, đa số các bạn trong lớp đều đăng ký dự thi các trường Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Thủy sản, Y khoa. Ngày đó, tôi làm hồ sơ dự thi Bách khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, hình ảnh thầy cô và nghề giáo cứ ấn tượng trong tôi, nên cuối cùng tôi quyết định thi vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế, trong sự ngạc nhiên của nhiều người.
Tốt nghiệp đại học, tôi được về dạy khối chuyên Lý, Trường chuyên THPT Quốc học Huế, sau ngày chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, tôi trở về dạy ngay chính trường ngày xưa mình học. Hơn 40 năm đã qua, giờ đây tôi có thể trả lời với bạn bè rằng, chính thầy cô đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đổi ngành từ bách khoa sang sư phạm của tôi ngày ấy.