Luật Viên chức chỉ điều chỉnh đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, trong khi thực tế có một số lượng không nhỏ nhà giáo đã và đang thực hiện các nhiệm vụ dạy học, giáo dục ở cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Vốn là giáo viên (GV) trường công, sau đó chuyển sang dạy tư thục, cô Phạm Thị Quý, Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “GV ngoài công lập đang bị phân biệt đối xử, đứng ngoài nhiều nội dung, yêu cầu so với GV công lập vì chưa có văn bản quy định cụ thể”.
Theo cô Phạm Thị Quý, đa phần GV trường ngoài công lập chỉ dạy và chịu sự quản lý của chủ tịch hội đồng quản trị (người trả lương cho họ). Về chế độ, GV hưởng trực tiếp từ công sức mình bỏ ra và phụ thuộc vào hợp đồng thỏa thuận với chủ trường, nên dù đóng góp công sức trong sự nghiệp giáo dục, nhưng rất ít được hưởng các chính sách từ Nhà nước.
Lấy ví dụ về bồi dưỡng chuyên môn, cô Phạm Thị Quý cho biết: Trường ngoài công lập tự mời chuyên gia về đào tạo nâng cao cho GV. Đồng thời, GV phải tự cập nhật, tham gia các khóa đào tạo chuyên môn của chuyên gia đầu ngành để tự phát triển bản thân.
Cũng bởi điều này mà GV ngoài công lập luôn cập nhật phương pháp dạy học mới, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin khi dạy học. Hè là thời gian các GV trường tư tự học và tập huấn theo chuyên gia do trường thuê về đào tạo; không được tập huấn theo văn bản chỉ đạo của phòng/sở như đồng nghiệp các trường công.
“Quy định về bồi dưỡng thường xuyên với GV của Bộ GD&ĐT thì không phân biệt, nhưng trên thực tế, tôi thấy GV trường tư chỉ được gọi đi tập huấn SGK mới, dự các chuyên đề ở một số trường trong quận. Các chuyên đề đó là tiết dạy của GV trường công và mỗi năm học có 2 - 3 tiết” - cho biết điều này, cô Phạm Thị Quý cũng chia sẻ những thiệt thòi của GV trường tư khi tham gia các cuộc thi chuyên môn; trong chấm thi vào lớp 10, hoặc thi tốt nghiệp THPT, GV trường tư rất ít được tham gia.
“Trường THCS Ban Mai thành lập hơn 10 năm, có tiếng tốt ở quận Hà Đông, nhưng chưa bao giờ có GV được chấm thi vào lớp 10. Có thể nói, đa phần trường tư đáp ứng được thu nhập của GV, nhưng về mặt tinh thần, GV trường tư luôn cảm thấy ít được xã hội và Nhà nước ghi nhận”, cô Phạm Thị Quý cho hay.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến năm học 2021 - 2022, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.404.120 người. Trong đó, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông là 1.226.961 người (công lập 1.091.730, ngoài công lập 135.231; biên chế 1.042.807, hợp đồng trong các trường công lập 48.923). Các cơ sở giáo dục đại học có 89.004 nhà giáo (công lập 67.743, ngoài công lập 21.261 người). Như vậy, số lượng nhà giáo ngoài công lập là hơn 156.000 người.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 85.091 nhà giáo (37.235 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 13.295 nhà giáo trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và có gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
Tổng số cán bộ quản lý giáo dục: 154.200 người, trong đó cấp học mầm non, phổ thông là 133.200 người; khối phòng, sở, Bộ là 15.900 người; cán bộ quản lý trường đại học là 5.100 người. Tổng số nhân viên kế toán, y tế trong các trường học: 38.081 người.
Theo Luật Viên chức và Công chức hiện hành, đội ngũ nhà giáo trong khối công lập được hưởng khá nhiều các chính sách như: Phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương, phụ cấp công tác ở vùng khó khăn (từ 0,5 – 1,0 mức lương cơ sở/tháng), phụ cấp vị trí công tác.
Ngoài chính sách chung, tùy địa phương, GV trong hệ thống công lập còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác về nhà ở (nhà công vụ), hỗ trợ một lần khi về công tác vùng xa, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ; tiền phụ cấp làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và luyện học sinh giỏi… Trong khi đó, đội ngũ GV ngoài công lập nhiều nơi ngoài lương không có thêm chính sách hỗ trợ nào.
“Chính sách thu hút đội ngũ mà các đơn vị thực hiện để hút nhân sự từ khối công sang khối tư chủ yếu đến từ lương và thu nhập hấp dẫn. Số ít đơn vị tuyển sinh tốt, có nguồn lực tài chính mạnh mẽ thì hỗ trợ thu hút một lần cho người lao động, còn lại các chính sách phụ cấp không nhiều như khối công. Đây rõ ràng là điều mà Bộ GD&ĐT cần sớm tham mưu Chính phủ, Quốc hội để nhanh ban hành Luật Nhà giáo”, TS Lê Lâm nói.
TS Lê Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Đại Việt, cho hay: “Ngoại trừ hệ thống giáo dục mầm non, với bậc học còn lại, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho đội ngũ giảng viên, GV đang công tác và giảng dạy tại khối ngoài công lập rất ít. Bởi với khối giáo dục tư thục, lợi nhuận và tỷ suất đảm bảo an toàn trong vận hành và hoạt động của đơn vị luôn được đặt lên hàng đầu”.
Ở khối ngoài công lập, GV bậc THPT có thể phải chịu thiệt thòi trong các chính sách hỗ trợ nhưng với giảng viên khối CĐ - ĐH thì phúc lợi và thu nhập hiện nay so với nhiều trường công là hơn hẳn. Chia sẻ thông tin, ông Hoàng Hữu Dũng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng bày tỏ: Tuy vậy, giảng viên ngoài công lập cũng có thiệt thòi.
“Loại trừ trường công theo cơ chế tự chủ tài chính, nhiều trường đại học công lập hiện nay thu nhập bình quân so với giảng viên ngoài công lập không bằng. Tất nhiên về mặt đầu tư cho nghiên cứu khoa học, học nâng cao trình độ có thể khối công nhận được nhiều hỗ trợ hơn. Đây là thiệt thòi của giảng viên khối ngoài công lập”, ông Dũng nói.
Từ những trăn trở trên, cô Phạm Thị Quý cũng như nhiều nhà giáo, nhất là GV trường tư đều mong có Luật Nhà giáo, để nhà giáo được bảo vệ trước pháp luật, đối xử công bằng giữa GV công - tư - hợp đồng. Luật Nhà giáo ra đời cũng hy vọng sẽ cải thiện được chế độ và tạo động lực để GV tiếp tục đam mê với nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. “Bản thân mong Luật sẽ quy định cụ thể về thâm niên, mức lương tối thiểu các chủ trường cần trả cho GV; chế độ phúc lợi Nhà nước dành cho GV ngoài công lập”, cô Phạm Thị Quý nói.