“Nếu thông minh theo cách truyền thống, bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề khi làm việc một mình. Nhưng khi phải làm việc với người khác, nhất là khi nắm vai trò chủ chốt, nếu không hiểu người khác và không hiểu chính mình, bạn sẽ gặp rắc rối to”, ông nhận định.
Đây là những thứ mà các bài kiểm tra IQ hoàn toàn bỏ qua. Với bài kiểm tra đó, không mấy ai chú tâm đến việc hiểu biết về bản chất con người và sự khác biệt giữa các cá thể.
Đi liền với nuôi dưỡng trí tuệ là phát triển sự sáng tạo của đứa trẻ. Theo GS Howard Gardner, sáng tạo không chỉ gắn với nghệ thuật mà còn gắn với hoạt động trí óc và thể chất. Cùng một việc, con người có thể làm theo cách người ta từng làm trước đó, có thể làm khác một chút hoặc theo cách mới hoàn toàn.
Sáng tạo có thể lớn như nghiên cứu của Einstein, Marie Curie… hay nhỏ như cách phụ huynh dán các bức tranh nguệch ngoạc của con lên cửa tủ lạnh.
GS Gardner cho rằng cách tốt nhất để sáng tạo là sống trong môi trường mà bất cứ điều gì được chấp nhận cũng là điều được thực thi.
Theo ông, một số người may mắn được sinh ra trong môi trường sáng tạo, theo học ngôi trường tốt. Nhưng nếu sống trong môi trường mà bất cứ khi nào làm điều gì bất thường, họ bị phản đối ngay lập tức, họ khó có thể sáng tạo.
Ông nhấn mạnh học sinh khó có thể sáng tạo ở trường học trừ khi giáo viên và phụ huynh đề cao, khuyến khích sự sáng tạo. Theo ông, một việc có thể hoàn thành theo nhiều cách. Nhưng nếu giáo viên không tin tưởng, học sinh cũng không tin mình có sẵn sự sáng tạo trong ADN.
“Nếu khi ở trường và ở nhà, học sinh liên tục bị đánh vào tay, chúng cũng rất khó để sáng tạo”, nhà giáo dục từ ĐH Harvard nói.
Ông đề cao tính sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm khi sáng tạo, tức tinh thần trách nhiệm về những việc mình làm và khiến nó trở nên hữu ích.
Vị giáo sư này rất ấn tượng với các trường ở miền bắc Italy hoặc trường Montserrat ở Tây Ban Nha. Ông đánh giá những trường này có sự cân bằng tốt giữa việc giáo dục ý thức cộng đồng, hình thành trong con trẻ trách nhiệm với những điều lớn lao hơn ngay từ rất sớm, đồng thời biết cách trân trọng những nét riêng của từng đứa trẻ.
Ở đó, với triết lý giáo dục Reggio Emilia, người ta cho rằng mỗi đứa trẻ có khoảng 100 ngôn ngữ để chuyện trò với thế giới. Trẻ em có thể học theo nhiều cách, nhìn nhận thế giới theo nhiều cách, thể hiện bản thân chúng theo nhiều cách khác nhau.
“Tôi cho rằng đó là nền giáo dục tiến bộ, nơi trí tuệ cá nhân được phát triển một cách tự do kết hợp với ý thức mạnh mẽ của các con về sứ mệnh đối với cộng đồng, xã hội, thế giới xung quanh”, ông đánh giá.
GS Gardner cho rằng đây là công thức cần phải thấm vào ADN của từng cha mẹ cũng như người làm giáo dục, vào ADN của hệ thống giáo dục và áp dụng một cách sáng tạo.