'Tứ gia vọng tộc' Kinh Bắc - Nức tiếng Nguyễn Đăng làng Bịu

Trần Hoà | 06/03/2023, 08:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dòng họ Nguyễn Ðăng làng Bịu, xã Liên Bão (Tiên Du, Bắc Ninh) không chỉ nổi danh khoa bảng, mà còn để lại tiếng thơm muôn đời.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Đăng làng Bịu, tính từ năm 1443 đến năm 1918 - dòng họ có đến 91 người đỗ đạt. Trong đó có 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 6 Tiến sĩ, 7 Giám sinh, 25 Hiệu sinh, 2 Tú tài, 5 Thiếu khanh - Tổng giáo và Huyện thừa. Đến nay, người làng Bịu vẫn còn lưu truyền câu ca: Làng Bịu có đấng Thám hoa/ Tiếng bay thượng quốc gần xa biết tài.

Được thần mộng báo

Dòng họ nức tiếng trong 'Tứ gia vọng tộc' Kinh Bắc ảnh 1
Trưng bày chuyên đề về dòng họ Nguyễn Đăng và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Làng Bịu có tên chữ là Hoài Bão, vào thời Lê Trung hưng nổi tiếng có dòng tộc Nguyễn Đăng văn hay chữ tốt với những danh nhân nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử khoa bảng, như: Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo… gắn cùng những giai thoại “vô tiền khoáng hậu” trong sử Việt.

Bản dịch từ gia phả dòng họ Nguyễn Đăng cho biết, thủy tổ dòng họ là cụ Huyền Chiếu Công vốn mang họ Nguyễn Duy. Khi nhà Trần đến thời suy vi, cụ đưa gia đình đến vùng Tiên Du lập nghiệp.

Tương truyền rằng, cụ Huyền Chiếu Công rất giỏi phong thủy nên nhận thấy đất lành không chỉ sinh cơ lập nghiệp, mà còn có thể giúp rạng danh hậu thế.

Lập nghiệp trên đất Tiên Du đến đời thứ 8 là cụ Hằng Sơn thì họ Nguyễn Duy phạm tên húy đến một người trong phủ chúa Trịnh nên phải đổi sang họ Nguyễn Đăng (Đăng có nghĩa là đèn - ý sau này dòng họ luôn sáng suốt, đời đời có văn học, có người đăng cơ làm quan).

Cụ Hằng Sơn làm nghề dạy học ở chùa Bách Môn trên núi Tiên Du. Theo sự tích xưa, cụ Hằng Sơn được thần báo mộng cho biết một mảnh đất quý, nếu táng hài cốt cha mẹ vào đó thì con cháu dòng họ sẽ đỗ đạt nức tiếng.

Cụ Hằng Sơn làm theo, và đúng như mộng báo của thần, từ đó dòng họ Nguyễn Đăng xuất hiện những người tài giỏi, không chỉ đỗ đạt, mà còn ở hàng tam khôi.

Trong một hội thảo khoa học về Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, TS Đặng Kim Ngọc - nguyên Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - cho rằng: Di sản lớn nhất của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo chính là tư tưởng làm quan - không chỉ phải có tâm đức, mà còn phải giỏi. Giỏi mới có thể xử lý thấu đáo việc công, tâm đức là mạch nguồn để phụng sự quốc gia dân tộc.

Cụ Hằng Sơn có hai người con trai là Nguyễn Đăng Cảo và Nguyễn Đăng Minh. Nguyễn Đăng Cảo đỗ Thám hoa, Nguyễn Đăng Minh đỗ Tiến sĩ cùng khoa với anh, sau giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám.

Nguyễn Đăng Minh có hai người con trai là Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo cùng đỗ Tiến sĩ, đặc biệt Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được coi là kết tinh rực rỡ nhất cho truyền thống hiếu học của gia tộc Nguyễn Đăng làng Bịu.

Làng Bịu có đấng Thám hoa

Dòng họ nức tiếng trong 'Tứ gia vọng tộc' Kinh Bắc ảnh 2
Dòng họ Nguyễn Đăng có 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 6 Tiến sĩ và nhiều người đỗ trung khoa.

Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo sinh năm 1619, đỗ Thám hoa năm 1646 thời vua Lê Chân Tông. Khoa thi này triều đình không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn nên ông là người đứng đầu, được người đời gọi là Đình nguyên Thám hoa.

Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo để lại nhiều giai thoại, trong đó có chuyện kể rằng: Năm 13 tuổi, Nguyễn Đăng Cảo đã rất thông minh, đọc sách một lượt là nhớ. Còn nhỏ tuổi nhưng tính đã phóng khoáng, thường đi du ngoạn và giao thiệp rộng rãi.

Khi đi thi, 3 kỳ ở huyện ông đều đứng đầu, về tỉnh dự thi vấn đáp, quan trường thi thấy Đăng Cảo vào không quỳ lạy mà chỉ chào. Trong lòng không hài lòng nên quan dùng những câu hiểm hóc của kinh lễ để hỏi nhưng Đăng Cảo đều trả lời trôi chảy.

Có giai thoại còn kể rằng, Nguyễn Đăng Cảo sớm có tài tiên tri nên trước khi vào thi Hội và thi Đình ông đã tiên đoán trước kết quả. Khoa thi năm 1464, ngày thi đến nơi, em trai ông là Nguyễn Đăng Minh lo lắng có nhiều người giỏi, chưa chắc hai anh em đã đỗ.

Đăng Cảo liền nói: “Chú cứ yên tâm, khoa này triều đình lấy nhất giáp chắc là về phần ta, thứ hai về ông bạn người Thanh Hóa, thứ ba - Đệ tam giáp về phần chú”. Kết quả kỳ thi đúng như dự đoán, Nguyễn Đăng Cảo đỗ đệ nhất giáp, còn Nguyễn Đăng Minh đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ.

Một lần bế con trai nhỏ của Nguyễn Đăng Minh là Nguyễn Đăng Đạo, ông nói với đứa bé: Triều đình ghét ta ngang bướng, đánh xuống Thám hoa, nhưng cháu ta - thằng bé này nhất định sẽ đỗ Trạng nguyên. Quả nhiên, năm Chính Hòa thứ 4 (1683) Nguyễn Đăng Đạo đỗ Trạng nguyên.

Khi làm quan Nguyễn Đăng Cảo thường bị biếm chức do nói năng không kiêng giữ. Tuy nhiên vì tài năng ứng đối tuyệt vời nên mỗi lần có cơ sự khó xử, vua Lê đều phải vời ông ra giúp.

Có lần sứ thần Trung Hoa sang sách phong, đến trạm Xương Giang thì dừng lại và đưa cho Thế tử một vuông gấm có ba vạch ngang. Triều đình không ai đoán được, phải ban đặc chỉ để tuyên triệu ông vào hỏi.

Ông cầm bút chấm mực, viết một nét sổ để trả lời. Chúa hỏi vì sao lại thế, ông giải thích: Ba nét ngang là tượng của quẻ càn, chỉ Hoàng đế. Có ba nét ngang rồi, nay chỉ cần thêm một nét sổ nữa là thành chữ Vương nghĩa là vua.

Một lần Nguyễn Đăng Cảo nhận mệnh nhà vua mang lễ vật lên biên giới gặp sứ nhà Thanh để tìm cách ngăn quân Thanh không kéo về Thăng Long. Đến cửa ải, sau một tuần mưa dầm bỗng nhiên trời hửng nắng, sứ nhà Thanh mang sách ra phơi, Đăng Cảo cũng kê gối trải chiếu rồi nằm phơi bụng mình ra.

Sứ thần nước bạn ngạc nhiên hỏi, Nguyễn Đăng Cảo trả lời: Sứ thần thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng (ý nói có sách ở trong bụng). Sứ thần thán phục nhưng vẫn thử tài mà nói rằng: “Sách “Đại học” bản chính bị đốt, phiền ngài viết lại cho”.

Đăng Cảo nhận lời và ngồi viết ngay lại từ chính vận đến chú giải lớn, nhỏ y như bản gốc. Sứ thần kinh ngạc, nói: Năm trước quan Thái tử tâu vua sao Vân Khúc giáp ở An Nam, nay quả đúng vậy.

Tiếng đồn đến nhà vua, vua Thanh liền cho vời ông tới bảo làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Đăng Cảo làm xong trình lên, vua nhà Thanh phê rằng: Lời gọn, ý tận và sâu sắc, phong thêm cho Đăng Cảo làm khôi nguyên Bắc triều rồi ra lệnh bãi binh. Từ đó, dân gian truyền tụng câu ca: Làng Bịu có đấng Thám hoa/ Tiếng bay thượng quốc gần xa biết tài.

Trạng nguyên làm Tể tướng

Dòng họ nức tiếng trong 'Tứ gia vọng tộc' Kinh Bắc ảnh 3
Bia Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683) - Nguyễn Đăng Đạo đứng đầu Tam khôi.

Nguyễn Đăng Đạo (1651 - 1719) là con của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh và bà Nguyễn Thị Ngọc Nhĩ. Tương truyền khi bà Ngọc Nhĩ có thai, một đêm vào mùa Hạ trăng sáng bà ra giếng lấy nước, chợt có một ngôi sao sáng lấp lánh rơi vào thùng nước, bà bèn mang thùng nước về dùng sau đó sinh ra Nguyễn Đăng Đạo.

Năm Nguyễn Đăng Đạo 4 tuổi thì được người bác là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo đưa theo cùng khi đón tiếp sứ Trung Hoa. Sứ nhà Thanh là người giỏi xem tướng, nhìn Đăng Đạo đã nói rằng: “Thiên sơn vạn thủy, lam chướng bất xâm, chơn kỳ đồng dã”, nghĩa là: Dặm ngàn non nước mà lam chướng không xâm phạm nổi, thì quả là đứa trẻ lạ.

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đăng Đạo đã thông minh hiếu học, lại được rèn cặp dạy dỗ trực tiếp từ cha và bác ruột. Năm 19 tuổi, ông đi thi Hương đỗ cử nhân, được vào học ở Trường Quốc Tử Giám. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên), khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683).

Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được bổ làm việc trong tòa Đông Các, vì nổi tiếng thơ văn nên sau đó lại được bổ vào làm ở Hàn Lâm Viện. Những năm sau đó, Nguyễn Đăng Đạo tiến nhanh trên con đường quan lộ và làm đến chức Tham tụng (Tể tướng triều đình). Tuy làm quan to trong triều, nhưng Nguyễn Đăng Đạo luôn giữ phong thái liêm khiết, giản dị, gần gũi và quan tâm đến đời sống dân chúng.

Từ tháng 1/1697 đến tháng 4/1698, Nguyễn Đăng Đạo đi sứ nhà Thanh giải quyết tranh chấp vùng đất ở hai động Tuyên Quang và Hưng Hóa. Nhà Thanh suy tính, nếu trả đất sẽ thành thông lệ không có lợi nên chần chừ thử tài sứ thần Đại Việt và các nước.

Vua Thanh yêu cầu các đoàn sứ thần làm bài phú Bái Nguyệt đình. Trong khi sứ thần các nước đang loay hoay thì Nguyễn Đăng Đạo đã hoàn thành. Vua quan nhà Thanh xem bài phú đều cho là tuyệt tác.

Văn tài của Nguyễn Đăng Đạo đã làm vua Thanh kinh ngạc và phong cho ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Sau này, vào năm 1728, nhà Thanh đã phải xem lại các điều khoản và trả lại những vùng đất lấn chiếm trước đó, trong đó có mỏ đồng Tụ Long.

Sau 35 năm phụng sự triều Lê Trung hưng, ông về trí sĩ năm 1718. Nguyễn Đăng Đạo mất năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) thọ 69 tuổi. Khi mất, ông được phong tặng Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công, đồng thời được sắc phong làm Phúc thần.

Theo số liệu của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trước tác của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo gồm: Tập thơ Nguyễn Trạng nguyên phụng sứ tập (bị thất lạc, hiện chưa tìm thấy), 6 văn bia và 11 bài thơ (gồm 8 bài thơ chữ Hán được ghi trong “Toàn Việt thi lục”, 1 bài thơ chữ Nôm ghi trong gia phả, 2 bài thơ chữ Hán và Nôm ghi trong “Đặng gia thế phả”.

Vì có nhiều đóng góp to lớn, sau khi hai bác cháu Nguyễn Đăng Cảo - Nguyễn Đăng Đạo qua đời, dân làng Hoài Bão đã lập đền thờ.

Tại nhà thờ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” còn được dòng họ lấy làm nhà thờ đại tông, hiện còn câu đối ở gian chính điện: Tiến sĩ Thượng thư thiên hạ hữu/ Trạng nguyên Tể tướng thế gian vô (Nghĩa là: Tiến sĩ thượng thư thiên hạ có/ Trạng nguyên Tể tướng thế gian không).

Bài liên quan
Huyền thoại Khả Lãm trăm nhà khoa bảng
Làng Khả Lãm đã làm nên huyền thoại trăm nhà khoa bảng - khi có tới 99 nhà người đỗ đạt từ sinh đồ tới Đình nguyên Hoàng giáp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tứ gia vọng tộc' Kinh Bắc - Nức tiếng Nguyễn Đăng làng Bịu