Từ thần đồng Thạch Khê đến Tể tướng đứng đầu 6 bộ

Trần Hoà | 27/09/2022, 09:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ là Tể tướng đứng đầu lục bộ, Lê Hy còn góp công lao rất lớn với nền sử học nước nhà.

Lê Hy (1646 - 1702) hiệu là Trạm Khê, người tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn (nay là thôn Thạch Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Hơn 10 năm giữ chức Tể tướng - góp bàn mưu kế ở nơi màn trướng, ông được chúa Trịnh và vua Lê hết mực tin tưởng.

Tài trí người xưa

Từ thần đồng Thạch Khê đến Tể tướng đứng đầu 6 bộ ảnh 1
Lê Hy đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Giáp Thìn (1664) khi tròn 18 tuổi.

Đã hơn 300 năm kể từ khi Tể tướng Lê Hy qua đời, nhưng ở thôn Thạch Khê vẫn lưu truyền khá nhiều giai thoại về trí thông minh hiếm có của ông. Tuy nhiên, giai thoại thường là những câu chuyện tưởng tượng khi dân gian không thể lý giải cho một sự kiện lạ. Bởi thế, những điều kỳ quái, bí ẩn được thêm vào hòng cho giai thoại thêm phần khó tin.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Lê Hy nổi danh thần đồng với trí thông minh xuất chúng. Những vế đối, sự việc nan giải, hay cách ứng xử của một cậu bé đã vượt xa khả năng của ngay cả những bậc trí giả đương thời.

Tại kỳ thi năm Giáp Thìn (1664), mới 18 tuổi ông đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tuy nhiên, vì đỗ tiến sĩ ở tuổi quá trẻ nên triều đình khi ấy cho rằng chưa thể gánh vác việc quốc gia, ông đành ở nhà tu dưỡng thêm.

Từ khi được triều đình tin dùng, nơi quan trường Lê Hy nổi tiếng bởi sự thẳng thắn, không ngại va chạm với bất cứ ai. Vì thế mà ông được vua Lê, chúa Trịnh hết sức tin tưởng, giao giữ nhiều trọng trách.

Nhờ sự thông minh và tài năng, năm 1680, khi mới 34 tuổi ông đã nhận chức Hình khoa cấp sự trung (đứng đầu khoa giám sát bộ Hình). Đến năm Giáp Tý (1684) thăng Lê Hy chức Hữu Thị lang bộ Binh, rồi Tả Thị lang bộ Lễ, Tả Thị lang bộ Lại.

Năm 1693 Lê Hy được thăng Thị Tham Tụng (Tể tướng), Thượng thư bộ Hình, tước Lai Sơn nam, được giao trấn thủ Cao Bằng và đi sứ 3 năm. Trở về nước, năm 1698 ông được thăng Thượng thư bộ Binh, đặc phong Kim tử Vinh Lộc đại phu, Tham tụng Thượng thư bộ Lại kiêm giữ chức Thượng thư lục bộ, Tri trung thư giám, Tổng tài quốc sử.

Chốn quan trường, ông kinh qua nhiều vị trí, đảm trách không ít việc quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, điều để hậu thế nhớ đến vị Tể tướng tài năng không phải ở những tước vị mà chính là những cống hiến.

Tể tướng góp công làm quốc sử

Từ thần đồng Thạch Khê đến Tể tướng đứng đầu 6 bộ ảnh 2
Một trang trong “Đại Việt sử ký toàn thư” - Bộ sử bắt đầu được viết bởi Ngô Sĩ Liên (1479) và hoàn tất bởi Lê Hy (1697).

Trong 10 năm ở cương vị Tể tướng (1693 - 1702), Lê Hy rất được nhà Lê chú ý tin dùng. Ông góp bàn mưu kế ở nơi màn trướng, không lời nào là không được nghe theo. Ông còn nổi tiếng bởi tính nghiêm nghị và sẵn sàng va chạm nếu cần, thế nên ông thường bị giới quan lại và nho sĩ đố kỵ.

Trong khi Tể tướng Nguyễn Quán Nho bị đánh giá “chỉ cốt nắm giữ đại thể”, lại được số đông nho sĩ ngợi khen. Còn Lê Hy cứ “thẳng mực tàu” khiến họ chỉ trích là “Tham tụng văn hà, bách tính ân ca/ Tể tướng Lê Hy, thiên hạ sầu bi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận công lao và tài năng của Lê Hy, cả ở phương diện chính trị và lĩnh vực sử học cũng như văn học. Trong những năm 1681 - 1682 triều đình giao Lê Hy tiếp tục tu soạn quốc sử.

Lê Hy phụ trách nhóm Nguyễn Quý Đức biên soạn lần đầu hai triều vua Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông (1662 - 1675), đặt tên “Bản kỷ tục biên” để kết thúc bộ “Đại Việt sử ký” - và chỉnh lý phần sử cũ mà các sử gia Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ đã biên soạn trước đó.

Lê Hy được giao quyền chỉnh lý với niềm tin tuyệt đối: “Chỗ nào sai thì tu sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy”. Trong 13 năm soạn “Bản kỷ tục biên”, phần biên soạn mới của Lê Hy và các danh nho khác là 19 quyển. Tháng 11 năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa (1697), việc biên soạn hoàn thành.

Giới sử học sau này nhận định: “Từ khi Lê Văn Hưu viết xong “Đại Việt sử ký” (1272) cho đến nhóm Lê Hy hoàn thành là quá trình dài 425 năm. Người đặt nền móng cơ sở là Lê Văn Hưu và người tổng hợp cuối cùng là Lê Hy”.

Cuối năm Đinh Sửu, Chính Hòa thứ 18 (1697), bộ quốc sử do Lê Hy phụ trách tu soạn hoàn thành, đặt tên là “Đại Việt sử ký toàn thư”, đem dâng chúa Trịnh phê duyệt, sau đó sai khắc in ngay để ban bố trong thiên hạ.

Trong lời tựa in ở đầu bộ quốc sử đồ sộ gồm 19 quyển, Lê Hy viết: “Những sự tích trước đây trăm, ngàn năm chưa tập hợp lại, nay được hoàn thành. Người trong thiên hạ, ai thấy sách này đều được tỏ rạng như thấy trời xanh, yên tâm như đi đường cái, người thiện biết là được khuyến khích, kẻ ác biết là bị ngăn ngừa”.

Với quan điểm viết sử tiến bộ và phương pháp luận khoa học, Lê Hy là sử gia kết thúc bộ sử lớn nhất của dân tộc. Đó là công việc tiến hành lâu dài, trong khoảng thời gian hơn 400 năm của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ...

Năm 1967, bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư” do Cao Huy Du phiên dịch và Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản. Ở ngay đầu bộ sách đã khẳng định: “Trong các sách lịch sử của ta thì “Đại Việt sử ký toàn thư” là một bộ sử lớn chép từ Hồng Bàng đến năm Ất Mão (1675) đời vua Gia Tôn nhà Lê.

“Đại Việt sử ký toàn thư”, đầu tiên là Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên dựa vào bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và bộ Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên viết vào hồi nửa cuối thế kỷ 15. Đến năm Ất Tỵ (1665) đời vua Lê Huyền Tôn, Tây Vương Trịnh Tạc sai Phạm Công Trứ khảo đính bộ Sử ký toàn thư của họ Ngô và viết thêm phần Bản kỷ tục biên.

“Đại Việt sử ký toàn thư” được Phạm Công Trứ sửa chữa và bổ sung, mười phần mới in được năm, sáu phần. Đến năm Đinh Sửu (1697), Định vương Trịnh Căn sai bọn Lê Hy và Nguyễn Quý Đức sửa chữa và làm nốt phần Bản kỷ tục biên từ năm 1663 đến 1675”.

Nối chí làm việc nước

Từ thần đồng Thạch Khê đến Tể tướng đứng đầu 6 bộ ảnh 3
Lưu bút của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi về tham dự khánh thành di tích Tể tướng Lê Hy.

Ở tựa “Đại Việt sử ký tục biên” do các danh thần đương thời biên soạn, đứng đầu là Lê Hy cũng viết rất rõ: “Đến triều ta, khi Huyền Tôn Mục Hoàng đế ta mới lên ngôi, nhờ có Hoằng tổ Dương vương (Trịnh Tạc) dựng nghiệp trị bình, tạo nền học vấn.

Sai tề thần là bọn Phạm Công Trứ tham khảo sử cũ, như Sử ký ngoại kỷ bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục, đều y theo danh lệ của sách sử trước và tham xét biên chép từ quốc triều Trang Tôn Dụ Hoàng đế đến Thần Tôn Uyên Hoàng đế để thêm vào quốc sử, gọi là Bản kỷ tục biên, cho đem khắc in, mười phần mới được độ năm, sáu phần, việc chưa làm xong, vẫn còn để ở Bí các.

Cầu cho được nối theo chí trước làm theo việc nước, tóm điều cốt yếu mà thành bộ sử đầy đủ, tất còn phải đợi đến ngày nay”.

Dẫn cứ liệu sử sách để thấy rằng, người xưa khi soạn quốc sử đâu phải chỉ có tài năng, mà còn đó gửi gắm cả tâm huyết để đời nối đời, hậu thế hiểu về lịch sử quốc gia dân tộc.

Năm Nhâm Ngọ (1702), Tể tướng Lê Hy đột ngột qua đời khiến vua Lê chúa Trịnh nghe tin vô cùng đau xót. Triều đình đã truy tặng ông hàm Thái Bảo, tước Lại Quận công, ban tên thụy là Duệ Đạt đồng thời lệnh cho dân, quan binh lập đền thờ quanh năm tế lễ.

Đền thờ Lê Hy được lập tại thôn Thạch Khê quê nhà, nhưng do nhiều biến động lịch sử nên bị hư hỏng nặng. Vào cuối thế kỷ 20, đền thờ phần nhiều chỉ còn nền móng cũ cùng tấm văn bia cổ về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời làm quan của ông được dựng dưới thời vua Tự Đức (1870).

Với những gì còn lại, năm 1994 - Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định công nhận Di tích lịch sử đền thờ Lê Hy tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn.

Cùng với đó, quyết định cũng nêu rõ việc nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Năm 2001, di tích đền thờ Lê Hy được chính thức trùng tu, tôn tạo và vào năm 2003 thì khánh thành.

Tại di tích Tể tướng Lê Hy có dòng lưu bút mà cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết ngày 18/2/2003 - khi về tham dự khánh thành đền thờ: “Đất Thanh là đất Văn hóa. Trong nhân dân có câu “văn Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn”. Lê Hy là một trong những người nổi tiếng về trình độ học vấn của huyện Đông Sơn thời bấy giờ…”.

Bài liên quan
Làng khoa bảng Liêu Xá - nơi chung đúc nhân kiệt
Thuộc “ngũ Liêu” nổi danh đất Sơn Nam xưa, Liêu Xá được coi là làng khoa bảng - đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều nhân tài anh tú.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ thần đồng Thạch Khê đến Tể tướng đứng đầu 6 bộ