Vì sao chương trình mới gọi nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?

19/10/2022, 07:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nhiều giáo viên trong quá trình dạy học môn KHTN lớp 7 và Hóa học lớp 10 thắc mắc tại sao gọi tên các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh.

- Trước hết phải hiểu đây không phải là danh pháp mới, IUPAC không hề thay đổi danh pháp từ khi đặt tên cho các nguyên tố, mà ở đây là chúng ta đang thay đổi cách viết phù hợp với tên gọi của IUPAC quy định, đó là sử dụng tiếng Anh. Ba ưu điểm nổi trội khi các em sử dụng tên gọi các nguyên tố hoá học và theo đó là các chất hoá học bằng tiếng Anh có thể kể như sau:

Thứ nhất là tính nhất quán và thuận lợi: Tên gọi các nguyên tố và các chất hoá học theo SGK cũ cũng đã thay đổi nhiều lần theo thời gian và do được phiên âm để tiện đọc nên đã không thống nhất với tên quy định quốc tế (IUPAC). Ví dụ, tên gọi nguyên tố H theo tiếng Việt đang tồn tại nhiều cách viết (hiđrô, hiđro, hidro, hyđrô, hydro), nhưng nếu viết theo tên tiếng Anh chỉ có một cách duy nhất là hydrogen. Tương tự, một thời chúng ta gọi chất đường đơn giản là glucoza, sau đó lại đổi sang glucozơ, nhưng vẫn không đúng theo tên quốc tế là glucose. Với ba cách viết này, cách viết cuối cùng bằng tiếng Anh sẽ nhanh hơn kể cả khi viết tay cũng như khi đánh máy vì không có dấu và quan trọng là viết đúng theo quy định quốc tế, do đó chắc chắn sẽ không còn tranh cãi về cách viết tên gọi (danh pháp) các nguyên tố và chất hoá học về lâu dài.

Thứ hai là tính đồng bộ và ứng dụng trong cuộc sống: Khi sử dụng tên gọi các nguyên tố và chất hoá học bằng tiếng Anh trong SGK, chúng ta sẽ đồng bộ hoá được tên gọi mà các em được học trong nhà trường với tên hoá chất được ghi trên bao bì, chai, lọ của các nhà sản xuất hoá chất trong và ngoài nước. Đồng thời không gây nhầm lẫn cho các em khi đọc thông tin về thành phần của các loại thuốc, biệt dược do nhà sản xuất công bố.

Thứ ba là tính hội nhập toàn cầu: Giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt khoa học tự nhiên có tính hội nhập sâu rộng và để hội nhập được phải thích ứng toàn cầu. Hiện nay học sinh có xu hướng ngày càng tham gia nhiều cuộc thi khoa học khu vực, quốc tế, cũng như tham gia học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển. Do đó cách gọi tên các nguyên tố, chất và thuật ngữ hoá học bằng tiếng Anh sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nhanh chóng với kiến thức khoa học của nhân loại. Chỉ cần vào Google làm một phép so sánh về kết quả tìm kiếm kiếm từ khoá "hiđro" sẽ cho khoảng 953.000 kết quả (trong 0,52 giây), trong khi đó từ khoá “hydrogen” cho khoảng 694.000.000 kết quả (0,44 giây) tức là tăng gấp khoảng 728 lần.

Tương tự, từ khoá “glucozơ” sẽ cho khoảng 715.000 kết quả (0,42 giây), nhưng với từ khoá “glucose” sẽ cho khoảng 636.000.000 kết quả (0,43 giây), tăng gấp 889 lần kết quả tìm kiếm. Như vậy sử dụng tên các nguyên tố hoá học cũng như các thuật ngữ hoá học bằng tiếng Anh sẽ giúp các em thuận lợi rất nhiều trong việc tra cứu thông tin trên Internet, đồng thời tạo động lực cho học sinh trau dồi tiếng Anh học thuật trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Vì sao Chương trình GDPT 2018 dùng tên gọi nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh? ảnh 3
Tên gọi các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh sẽ được sử dụng đồng bộ trong các trường học ở nước ta khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Giáo viên Hoá học cần hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng tên nguyên tố hoá học và các chất bằng tiếng Anh trong dạy học để làm tốt công tác truyền thông với xã hội, từ đó lan toả sự hấp dẫn của môn Khoa học tự nhiên và môn Hoá học đến các em học sinh.

- Một số giáo viên lo ngại học sinh sẽ khó tiếp thu cách viết này khi học môn Hoá học theo chương trình mới. Ý kiến của ông như thế nào về lo ngại này?

- Cách viết tên các nguyên tố và chất hoá học bằng tiếng Anh đã được đưa vào SGK môn Khoa học tự nhiên bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 9. Vì thế học sinh đã được làm quen rất sớm cách viết này nên khi lên lớp 10 nếu lựa chọn môn Hoá học thì các em cũng đã biết cách gọi tên của các nguyên tố và hợp chất hoá học bằng tiếng Anh.

- Ông có nhắn nhủ gì với giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Hoá học khi sử dụng cách gọi tên các nguyên tố hoá học bằng tiếng Anh?

- Với giáo viên thì đây là một thay đổi chưa có tiền lệ. Bên cạnh số đông nhận ra sự cần thiết phải thay đổi và ủng hộ, thì cũng còn một số giáo viên đang lo lắng và băn khoăn, điều đó cũng dễ hiểu. Thiết nghĩ, sau một năm dạy học, thầy cô sẽ quen dần và khi đó chuyện gọi tên các nguyên tố và hợp chất hoá học sẽ trở nên bình thường. Tuy nhiên, trong năm nay và năm học tới, còn hai khối 11 và 12 đang học SGK hiện hành, nên thầy cô sẽ gặp khó khăn nhất định nếu tham gia dạy học song song 2 chương trình. Theo tôi, nếu có đủ đội ngũ, các trường nên bố trí giáo viên dạy chương trình mới theo suốt cả ba năm học ở THPT.

Chúc thầy cô tìm thấy nhiều thú vị trong dạy học!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-chuong-trinh-gdpt-2018-dung-ten-goi-nguyen-to-hoa-hoc-bang-tieng-anh-post612097.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-chuong-trinh-gdpt-2018-dung-ten-goi-nguyen-to-hoa-hoc-bang-tieng-anh-post612097.html
Bài liên quan
Vững tâm thế triển khai Chương trình mới
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hơi, ngành Giáo dục Hưng Yên đang nỗ lực triển khai Chương trình GDPT 2018 cho năm học 2022 - 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chương trình mới gọi nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?