Bên cạnh đó, dù địa phương đã đặt hàng các trường đào tạo theo Nghị định 116, nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn phải thi tuyển bình thường theo quy định của Nghị định 115 và Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Như vậy nếu quy trình tuyển dụng này anh không trúng tuyển vào được các cơ sở giáo dục thì số tiền đã nhận vẫn phải trả lại”, ông Hùng băn khoăn.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho rằng, mức hỗ trợ theo Nghị định 116 với sinh viên sư phạm không nên cào bằng giữa các địa phương, ở các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, miền núi còn thiếu giáo viên nên xem tăng mức hỗ trợ để thu hút sinh viên.
Từ những vướng mắc trên, ông Đinh Mạnh Hùng kiến nghị, Nhà nước nên xem xét rót tiền vốn hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách. Ngân hàng cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên dưới dạng khoản vay. Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp theo đúng quy định trong Nghị định 116, nếu sinh viên đáp ứng yêu cầu, làm việc trong ngành giáo dục thì khoản vay trên sẽ được tự động xóa. Trường hợp sinh viên không đáp ứng yêu cầu, ngân hàng sẽ thu hồi khoản vay đã cấp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cách làm này sẽ giúp đơn giản hóa, minh bạch chính sách hỗ trợ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho sinh viên cũng như giảm áp lực cho các địa phương.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định:
Điều 4. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ:
a) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
b) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
2. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.