Bến quê trong cõi lòng
Những ấn tượng của “Bến quê” như tấm kính lọc bỏ bớt hiện thực, chỉ giữ lại những nét chấm phá. Hoạ sĩ không muốn cảnh cũ người xưa bị gò bó vào một phong thổ cụ thể, mà thành bến quê ở mọi nơi, chạm tới trái tim của mọi người. Vì vậy những ấn tượng với cảnh sinh hoạt thường nhật, sự bình yên vui sống, mơ mộng nơi cửa biển… có thể trở thành cảm xúc chung của nhiều người khi chợt nghĩ đến một bến quê - một chốn cũ nào đó trong cõi lòng.
Hoạ sĩ Lương Lưu Biên nhận định rằng: “Cả bộ tranh là biển với nhiều thay đổi trạng thái thời tiết. Buổi sáng rực rỡ, chiều buồn tĩnh lặng, rì rào, lúc hiền hòa, khi nhiều gió hoặc tối sầm đe dọa cơn bão đến. Họa sĩ đã diễn tả được tất cả những thay đổi đó thật sinh động, một cách đầy thông hiểu và yêu thương như với một người thân, dù người đó có sáng nắng, chiều mưa như thế nào đi nữa”.
Người xem thấy những tút bay với sơn ướt mềm thật trôi chảy, nhanh gọn, dứt khoát. Chúng chồng lấn, hòa quyện một cách tự nhiên trong một hòa sắc nhẹ nhàng và nhiều tình cảm. Qua bút pháp ấn tượng biểu cảm mạnh mẽ này, công chúng dễ cảm nhận được hành động vẽ đầy cảm xúc của tác giả với tấm toan trước khoảng không bao la của biển miền Trung.
Khác với không gian chật chội, chen chúc của người nơi phố thị, thì ở quê nhà, trước không gian mở rộng ra mênh mông của biển, có lẽ họa sĩ tìm thấy được sự tự do, mà chắc hẳn nó phù hợp với tinh thần khoáng đạt, rộng lượng của mình. Rõ ràng khi ở đúng chỗ, có được sự kết nối với vùng đất mà mình thuộc về, họa sĩ đã thể hiện được hết tình cảm với thiên nhiên qua hội họa một cách thật chân thành.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho biết, tốc độ đô thị hóa lạnh lùng làm cho việc rời quê ra phố sống sẽ xuôi chiều hơn, còn từ phố về quê sống thì khó khăn trăm bề. Như trong bài thơ “Quy cố viên hương” (Về quê cũ) của Phạm Đình Hổ: “Đoạn ngạnh phiêu bồng tuế lưỡng chu/ Thôi biều trùng tác cố hương du” - Tạm dịch: Lìa cành phiêu bạt hai năm tròn/ Bơ phờ lại tìm về chơi quê cũ.
“Văn Tùng không về chơi, mà có lẽ sẽ về ở lâu, hoặc về ở luôn. Về quê, Tùng mới thật sự là chính mình, được sống trọn vẹn với bản ngã. Được gần gũi mẹ già, chăm nom mộ phần cho cha. Quan trọng hơn, được yên tâm vẽ tranh”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho hay.
Ngoài bộ tranh “Bến quê”, cuối năm nay Văn Tùng sẽ trình làng triển lãm cá nhân thứ hai tại TP HCM với chủ đề “Cậu bé giúp lễ”. Hai bộ tranh này có hai cách tiếp cận và thông điệp khác nhau, nhưng đều được vẽ bởi cái tâm trong sáng, cái nhìn nhẹ nhàng, thanh thoát.
Hoạ sĩ Văn Tùng sinh năm 1989, tốt nghiệp ĐH Nghệ thuật - Đại học Huế. Anh từng tham gia nhiều triển lãm nhóm tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, phòng tranh Tự Do, đấu giá tranh từ thiện, các festival mỹ thuật trẻ. Nhận giải nhất triển lãm tranh ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế, giải nhất nhiếp ảnh Trung tâm học liệu - TP Huế; giải nhất triển lãm nhóm tranh trên cát tỉnh Quảng Bình; nhận Quỹ học bổng và văn hóa Việt Nam Kumho Asiana.