Từ ngày 27/10 đến ngày 5/11, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 194 ca mắc Covid-19, trong đó, 66 ca liên quan đến các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Trong đó nhiều ca F0 ghi nhận tại trường học, nhiều giáo viên, học sinh liên quan đến các yếu tố dịch tễ F1, F2... ở một số cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, hơn 90 trường với gần 35.000 học sinh trong tỉnh được chuyển sang học trực tuyến và học qua truyền hình, toàn bộ học sinh mầm non được nghỉ học. Các địa phương có số trường dừng học trực tiếp nhiều nhất là huyện Quảng Điền, thành phố Huế.
Do dịch bệnh tăng cao, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL quyết định nâng mức độ cao hơn để kiểm soát dịch bệnh, các quán ăn chỉ phục vụ mang về.
Tại tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát hiện trường hơn F0 ngày càng tăng cao, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 ca mắc mới, hàng chục khu vực hiện nay đang được phong tỏa. Trước tình hình này, sở Y tế tỉnh Vĩnh Long thông báo nâng cấp độ dịch ở một số xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cấp tỉnh giữ nguyên cấp độ 2, cấp huyện có các địa phương: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân, thị xã Bình Minh phân loại cấp 2, TP Vĩnh Long phân được nâng lên cấp độ 3. Cấp xã có 4 đơn vị nâng lên cấp độ 4 gồm: Phường 1, Phường 4, Phường 9 - TP. Vĩnh Long và thị trấn Cái Nhum, Huyện Mang Thít.
Tỉnh Vĩnh Long cũng thông báo tạm dừng phục vụ các dịch vụ ăn uống tại TP Vĩnh Long để lực lượng y tế xét nghiệm, truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh trong ngày 6 và 7/11.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Trà Vinh, tình trạng dịch bệnh của toàn tỉnh hiện nay đang ở cấp độ 2, riêng huyện Duyên Hải ở cấp độ 3 và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện chùm ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó có nhiều trường hợp đã tiêm vaccine đủ 2 mũi.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nguyên tắc 5K; quét mã QR khi đến các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học…, không tụ tập tập đông người khi không thật sự cần thiết. Các trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú phải thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà.
Mục tiêu của Chương trình là các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.
Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình./.