Bảo vật có một không hai
Các tài liệu cũ từ chùa Đồng Nhân cho biết, sau khi nhà sư Thích Thanh Cao sưu tầm bộ sách đã hội bàn với các danh y đương thời để khảo đính lại bản thảo. Đồng thời cho khắc ván từ ý tưởng của người có tên là Vũ Xuân Hiên (người làng My Thứ, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương) để in thành sách.
Theo Bảo tàng Bắc Ninh, hầu hết mộc bản được khắc bằng chữ Hán theo lối khắc ngược (âm bản). Đây là kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt ván khắc khoảng 16 dòng, mỗi dòng 21 chữ sắc nét, tương ứng 2 trang sách. Mỗi trang sách in ra sẽ có khung viền xung quanh, có phần nội dung và phần chính giữa (gáy sách) in tiêu đề. Ván khắc được làm bằng gỗ thị với đặc tính mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ.
Vào cuối năm 2017, bảo tàng tiến hành tổng kiểm kê, sắp xếp phân loại, đánh số, chụp ảnh và in dập toàn bộ mộc bản thuộc bộ sách thuốc “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” trong kho. Kiểm kê cho thấy có 1.191 đơn vị mộc bản với 24 tập, 63 quyển (từ quyển 1 đến quyển 61 và quyển Thủ, quyển Vỹ). Tất cả các ván khắc phần lớn đều còn tốt, chữ khắc rõ, sắc nét. Chỉ có một số ít ván bị nứt, cong vênh và mất một số chữ. Có 7 mảnh nhỏ, vỡ không xác định thuộc quyển nào.
Mỗi mảnh ván được xem là một đơn vị hiện vật độc đáo hiếm có. Bởi vậy, bộ mộc bản pho sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” có giá trị vô cùng đặc sắc trong lĩnh vực bảo tàng. Ý thức được giá trị của báu vật, những năm qua Bảo tàng Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp để bảo vệ tốt nhất kho mộc bản này.
Toàn bộ mộc bản được chia thành từng quyển, xếp theo số trang, đánh số, chụp ảnh, in dập toàn bộ mặt ván theo trình tự khoa học, xếp gọn trên giá để tránh ẩm mốc và được bảo quản tại kho gỗ trên tầng cao.
TS. Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh cho rằng, dựa vào nội dung và hình thức mộc bản, chúng ta có thể giải mã rất nhiều vấn đề y học, lịch sử, văn hóa, danh nhân, ngôn ngữ, nghề in khắc truyền thống... Đặc biệt, bộ ván khắc được định bản lại, có nhà xuất bản rõ ràng, là bản chuẩn để in thành sách và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Đây là bằng chứng duy nhất chứng minh cho sự tồn tại của bộ sách thuốc “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”.
Khác với các danh y khác thường chỉ chuyên về một số loại bệnh và bí truyền thì riêng cụ Lê Hữu Trác lại phổ biến rộng rãi kiến thức y dược, y lý với đại chúng thông qua bộ sách quý này. Nhờ đó, Việt Nam có được một pho tùng thư y học dân tộc giàu giá trị, hiện vẫn đang được áp dụng để chữa trị nhiều loại bệnh trong cuộc sống đương đại.
Theo Bảo tàng Bắc Ninh, mỗi mảnh ván mộc bản là một hiện vật độc nhất vô nhị. Nhiều mảnh ván được khắc đan xen thêm những hình minh họa tinh tế. Vì vậy, mộc bản không chỉ có giá trị y dược mà còn được coi như một tác phẩm điêu khắc gỗ hoàn mỹ, có giá trị nghệ thuật cao.