Báu vật Thăng Long sau nghìn năm ngủ yên trong lòng đất

Trần Hoà | 16/09/2022, 09:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trưng bày 'Báu vật hoàng cung Thăng Long' đang thu hút đông đảo người yêu di sản đến chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá.

Không gian trưng bày độc đáo, nổi bật hơn với những hình ảnh trình chiếu tái hiện cung điện nhà Lý và bức tường bao thể hiện sự tươi đẹp bốn mùa trong hoàng cung xưa kia.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên giới thiệu công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật. Điều này giúp khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng hoàng cung.

Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật sau nghìn năm “ngủ yên” dưới lòng di sản.

Đánh thức báu vật Thăng Long sau nghìn năm 'ngủ yên' trong lòng đất ảnh 1
Mảnh vàng trang trí văn mây thời Trần (thế kỷ 13 - 14).

Di sản nổi bật toàn cầu

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cho biết, trưng bày nhằm mục đích quảng bá lan toả giá trị di sản của Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, cũng là dịp tìm hiểu giá trị di sản và bảo tồn lâu dài cho thế hệ mai sau. Đặc biệt, là dịp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhìn lại thành quả và xác định bước đi cho tương lai.

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới năm 2010. Sau đó, việc quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới, công tác bảo tồn, tôn tạo, các hoạt động tuyên truyền quảng bá được tập trung đẩy mạnh.

PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, các cuộc khai quật đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ. Đó là minh chứng xác thực cho lịch sử - văn hoá Thăng Long và Việt Nam, liên tục hơn 1.000 năm từ các thời kỳ tiền Thăng Long đến các thời kỳ Thăng Long thời Lý - Trần - Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng - Tây Sơn - Nguyễn cho đến các thời kỳ cận hiện đại.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho rằng: Nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Việc ghi danh Hoàng thành Thăng Long vào danh sách di sản thế giới là một vinh dự, tạo ra những cam kết và trách nhiệm để bảo tồn, lưu giữ và lan toả giá trị.

“Các giá trị lịch sử - văn hóa của Thăng Long đạt 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu, đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản thế giới - mà giá trị to lớn đã được chuyên gia Iamanaka Arika (Đại học Mie, Nhật Bản) khẳng định: “Để hiểu biết lịch sử nhân loại, di tích này không thể thiếu được”

- PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Đặc biệt, đến nay vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá, nhiều báu vật vẫn “ngủ yên” dưới lòng đất. Điều đó đòi hỏi việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Hoàng thành Thăng Long, được xác định là công cuộc lâu dài, phải được triển khai với sự thận trọng, đề cao tính khoa học và cần có cách thức thực hiện bài bản.

Bài liên quan
Thái sư Lưu Cơ - người quay thành Thăng Long về hướng nam
Phù nhà Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, Thái sư Lưu Cơ còn là người ý thức quyền tự chủ khi quay Hoàng thành Thăng Long về hướng nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báu vật Thăng Long sau nghìn năm ngủ yên trong lòng đất