“Thái sư Lưu Cơ là vị tướng cai quản, tu tạo thành Đại La liên tục trong vòng 40 năm (971 - 1010) qua ba triều đại, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long vào tháng 7/1010. Chính ông là người đã trao chìa khoá và “sổ đỏ” thành Đại La cho nhà Lý”, TS Nguyễn Việt cho hay.
Đặt tên đường phố, trường học
Theo giới nghiên cứu lịch sử, thành Đại La khi trở thành kinh đô Thăng Long vào tháng 7 năm 1010 đã là một kinh đô Đại Cồ Việt được chuẩn bị hoàn tất, mà công lao được ghi nhận của Lưu Cơ. Ông bàn giao kinh thành Thăng Long cho Lý Thái Tổ khi gần 70 tuổi và cáo lão về trí sĩ tại quê nhà.
Sau này, Thái sư Lưu Cơ không được nhà Lý trọng dụng và nhắc đến nhiều trong sử sách. Bởi vậy hậu thế ít người biết đến Lưu Cơ, nên việc ghi nhận tôn vinh và truyền bá công lao của ông thì còn nhiều thiếu sót.
Đồng tình với quan điểm phải ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với Thái sư Lưu Cơ, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị các nhà quản lý văn hóa xem xét để Thái sư Lưu Cơ có một vị trí tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như ở Thủ đô Hà Nội.
Ông Quốc cho rằng, làm rõ thân thế và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ không chỉ vì vinh quang của một cá nhân hay gia tộc. Đó là trách nhiệm và là sự tôn trọng lịch sử, tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân.
Bà Nguyễn Thị Dơn - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, những tư liệu lịch sử về Thái sư Lưu Cơ sẽ đóng góp, bổ sung cho việc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử tiền Thăng Long của Bảo tàng Hà Nội, di tích Hoàng thành Thăng Long.
Theo bà Dơn, với công lao 40 năm cai quản thành Đại La, chuẩn bị mọi tiền đề cho công cuộc dời đô ra Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, Thái sư Lưu Cơ rất xứng đáng được đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội.
“Đây là câu chuyện lịch sử thể hiện rõ tầm nhìn của người đứng đầu quốc gia lúc đó. Vị thế của Thái sư Lưu Cơ là đảm nhận việc chuẩn bị cho thời điểm đất nước chuyển mình để xây dựng nền văn hiến gắn liền với nhà Lý”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
TS Nguyễn Việt cho rằng: “Mọi người sẽ tìm một con đường quanh Hoàng thành vì nó gắn với 40 năm Lưu Cơ có công tạo ra một tòa thành Đại La. Không có tòa thành đó thì định đô Thăng Long sẽ chậm hơn. Vì thế, việc thờ phụng trong Hoàng thành cũng tỏ rõ vị trí xứng đáng của Lưu Cơ đối với Thăng Long”.
GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn - Bảo tàng, đánh giá Thái sư Lưu Cơ xứng đáng được đưa vào nội dung thuyết trình tại di tích Hoàng thành Thăng Long, được đặt tên đường phố cũng như trường học.