Cao Xuân Dục - Thượng thư bộ Học nổi danh triều Nguyễn

Trần Hoà | 08/02/2023, 15:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chỉ đỗ Cử nhân nhưng được bổ làm Thượng thư bộ Học, tài năng xuất chúng và tâm đức của Cao Xuân Dục đã chứng minh 'học là sự nghiệp cả đời'.

Cụ dặn con gái phải chăm lo cho cậu Thụy ăn uống đầy đủ, để cậu chuyên tâm học hành thì ắt sẽ làm được việc lớn. Cô con gái nghe theo, quan tâm chăm sóc Thụy hết mực.

Bữa nào cô Bích cũng đơm cơm đến lưng liễn sứ nhưng Thụy đều kêu đói. Cô nén cơm chặt trong liễn, nhưng bụng Thụy vẫn không thể no. Cô xới cơm ra cái rá tre, đong đếm cơm đủ cho bốn năm người ăn, Thụy vẫn ăn hết.

Làng Nho Lâm vốn là nơi có nghề rèn, Thụy cũng là thợ rèn người vạm vỡ. Trông anh vai u thịt bắp thô kệch giống tráng sĩ hơn là nho sinh. Thấy vậy, cô Bích đành thưa với cha: “Cha tính lựa cho con một người chồng như ri chăng?”. Cô kể cho cha nghe về cái bụng ăn không biết no của Thụy…

Cụ Cao Xuân Dục nghe xong, khuyên con gái: “Xưa nay những người khác thường mới có những cái không bình thường”. Đúng như lời cụ Cao nhận định, khoa thi Hội năm Giáp Thìn triều Thành Thái thứ 16 (1904), Đặng Văn Thụy thi đỗ Hoàng giáp - sau làm đến chức Tế tửu.

Tình yêu đặc biệt với sách

Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được bổ làm Thượng thư bộ Học nổi danh triều Nguyễn  ảnh 3
Bìa sách “Nhân thế tu tri” – bộ tác phẩm 900 trang do Cao Xuân Dục biên tập trong Kinh Sử những lời hay ý đẹp nhằm giúp giáo dục con người. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Là một vị học quan làm đến chức Thượng thư bộ Học, Cao Xuân Dục rất chú trọng đến giá trị của thực học và trau dồi tri thức cho các thế hệ sau. Bởi vậy, ông lập tại quê hương một thư viện mang tên “Long Cương tàng bản”.

Trong tuyển tập về Cao Xuân Dục, ông Cao Xuân Phổ có viết rằng: “Cao Xuân Dục đã lập một thư viện riêng ở quê nhà Diễn Châu. Long Cương, một thư viện lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, gồm khoảng 10.000 đầu sách bằng chữ Hán. Cao Xuân Dục đã cho sao chép nhiều tài liệu, văn bản công khai lưu trữ ở Quốc Sử quán, bộ Học đem nhập vào thư viện”.

Cao Xuân Dục có tình yêu đặc biệt với sách. Tương truyền, hồi nhỏ khi học với các thầy, học trò Cao Xuân Dục luôn để ý đến sách, thấy thầy nào cũng nhiều sách.

Cậu xin thầy cho đọc, nhưng đọc tại nhà thầy chứ không được đem ra về nhà. Những quyển sách hay, cậu đều xin thầy cho chép lại. Ý thức gom sách đã có từ đó, và khi làm quan có điều kiện đã thành lập một thư viện riêng để thỏa chí.

Tầng bên trên của “Long Cương tàng bản” là lầu vọng nguyệt. Tầng dưới chứa sách, tầng 2 là phòng chép sách. Tương truyền trong nhà Cao Xuân Dục lúc nào cũng có dăm bảy ông tú, ông cử được thuê ở để làm hai việc: Dạy cho con cháu và chép sách.

Cuốn sách nào quý giá, Cao Xuân Dục đều sai chép làm 5 bản, giữ tại thư viện 2 bản, còn những bản khác đem phân phát. Ông luôn có ý đề phòng mất cuốn này còn có cuốn khác.

Bởi vậy, Long Cương được đánh giá thư viện gia đình lớn nhất nước ta đương thời. Tập “Ức Trai thi tập” tưởng đã từng bị tiêu hủy mấy trăm năm trước lại được tìm thấy trong thư viện Long Cương.

Những bộ sách mộc bản có dấu ấn của Cao Xuân Dục trong kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã góp phần làm nên khối mộc bản triều Nguyễn có giá trị tư liệu gốc. Trong đó có những bộ sách ghi chép về chủ quyền biển đảo của Việt Nam như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí…

Là người đứng đầu bộ Học, Cao Xuân Dục rất coi trọng việc lấy thực học làm căn bản. Ông lấy việc nêu gương, ghi danh những người đỗ đạt cao là điều cần làm: “Các vị đỗ tiến sĩ, tuy chưa có lục chép tên, song đã khắc tên trên bia đá, còn các vị phó bảng thì chưa có vậy.

Đã không có tên trong bia đá, mà lại không chép vào lục thì chẳng hóa ra các vị đỗ hội khoa lại sơ lược hơn các vị đỗ hương khoa sao?” (Quốc triều khoa bảng lục).

Cao Xuân Dục cũng tỉ mỉ đánh giá bài thi của học trò, ngay cả khi ông giữ chức Tổng đốc vẫn luôn nghĩ tới việc học. Ông viết tấu rằng: “Tri thức cho ba đời không thể bỏ qua văn chương. Muốn so văn chương của trăm nhà phải lấy trường quy để làm tiêu chuẩn. Đó là lý do cần phải ghi chép lại những bài văn đã được chấm trúng tuyển ở trường thi”.

Bởi được ngụp lặn trong biển học và biển sách mà nhiều nho sinh xứ Nghệ và hậu duệ của Cao Xuân Dục không chỉ đỗ đạt, trở thành Thượng thư, nhà thơ, học giả nổi tiếng, mà còn trở thành những người có đức hạnh, như: Con trưởng Cao Xuân Tiếu (Thượng thư), con gái Cao Ngọc Anh (nhà thơ), con trai út Cao Xuân Huy (Giáo sư triết học), cháu nội Cao Xuân Hạo (nhà ngôn ngữ)…

Trong vai trò một học quan và người làm sử, Cao Xuân Dục để lại nhiều tác phẩm công phu. Trong đó phải kể đến 4 cuốn sách: Đại Nam dư địa chí ước biên, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều hương khoa lục, Quốc triều khoa bảng lục. Các tác phẩm này được đánh giá “tinh lực của một đời người”, ghi chép cẩn thận từ địa lý, phong thổ cho đến các khoa thi Hương, thi Hội của triều Nguyễn.

Bài liên quan
Nhà khoa bảng Vũ Khâm Lân và chuyện tình éo le nhất sử Việt
Vị danh thần nhà Lê – Tiến sĩ Vũ Khâm Lân không chỉ nổi tiếng hay chữ, mà còn được biết đến bởi câu chuyện tình vô cùng lãng mạn với cô đào xinh đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Xuân Dục - Thượng thư bộ Học nổi danh triều Nguyễn