"Cô giáo mê game" thách đấu học trò

Hoài An | 03/01/2022, 10:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nếu nhiều bậc phụ huynh ngăn con chơi game vì sợ ảnh hưởng đến học tập. Nhưng cô Vương Thanh Thuỷ lại coi đây là “phương pháp” dạy đặc biệt cho học sinh chậm tiến.

Cô Thuỷ (sinh năm 1986, người Nùng) hiện là giáo viên Trường Tiểu học Tiên Lãng, Quảng Ninh. Phương pháp dạy của cô là lồng ghép nội dung môn học như một trò chơi game để học sinh chậm tiến bắt kịp bạn bè trong lớp.

Vuong Thanh Thuy
Cô Vương Thanh Thuỷ kèm học trò.

Ước mơ bước ra từ bài học

Cô Vương Thanh Thuỷ sinh ra và lớn lên ở miền núi biên giới Xứ Lạng. “Ước mơ trở thành giáo viên tiểu học của tôi xuất phát từ một bài học môn Giáo dục công dân hồi cấp 2. Đó là khi cả lớp được nghe câu chuyện kể về thầy cô giáo vùng cao ở Mèo Vạc (Hà Giang) phải vượt đường núi đi xách từng thùng nước, nhưng vẫn cố gắng bám trường bám lớp để mang “cái chữ” cho học sinh vùng cao. Tôi cũng đặc biệt yêu mến trẻ con nên từ đó đã quyết tâm thi đỗ và theo học khoa sư phạm Tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn”.

Năm 2007 ra trường, cô Thuỷ theo chồng đến Tiên Yên lập nghiệp. Ban đầu cô Thuỷ được phân về Trường PTCS Hà Lâu (nay là Trường PTDTBT TH&THCS Hà Lâu). Đây là trường vùng cao khó khăn nhất huyện Tiên Yên (cách thị trấn 27km, có điểm trường cách thị trấn gần 40km).

Sau đó cô được luân chuyển về Trường PTCS Yên Than (nay là Trường TH&THCS Yên Than, cách thị trấn 7km). Phần lớn học sinh ở đây người Dao, Tày…

Những năm tháng mới bước chân vào nghề được dạy học ở hai ngôi trường này, cô Thuỷ đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhưng các em đều nỗ lực, cố gắng để được đến lớp, đến trường.

Trong bối cảnh ấy: “Tôi tự cảm thấy mình ngày càng có thêm động lực để gắn bó, yêu công việc mà mình đã chọn – công việc “trồng người”, cô Thuỷ chia sẻ.

Vuong Thanh Thuy
Cô Thủy áp dụng nhiều phương pháp dạy sáng tạo.

Thách đấu game với cậu học trò đặc biệt

Tháng 3/2020, cô Thuỷ được luân chuyển về Trường Tiểu học Tiên Lãng và đang chủ nhiệm lớp 3A. Lớp có 24 học sinh và em Vũ Trần Minh Quân là một trường hợp “đặc biệt”.

Năm 4 tuổi Quân bị ngã khiến não bị ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Dù đã 8 tuổi nhưng Quân nhỏ thó, gầy gò, khuôn mặt còn nhiều nét ngây thơ như mới lên 5.

Cô Thuỷ cho biết: “Mỗi lần em Quân viết bài là tay run, không đưa nổi nét bút và nhanh mỏi tay. Không những thế, Quân lúc nào cũng trong trạng thái uể oải, mệt mỏi, buồn ngủ. Bố mẹ ly hôn khi em chỉ vài tháng tuổi. Phần lớn thời gian em ở với ông bà ngoại”.

Cô Thuỷ tìm đủ phương pháp, cho Quân lên ngồi cạnh bàn giáo viên nhưng vẫn không hiệu quả. Một lần cô thấy Quân chơi game bằng điện thoại của mẹ rất tập trung, nói to, rõ ràng…

Từ đó, cô Thuỷ nảy ra phương pháp lồng ghép các nội dung học vào trò chơi “bắn súng” để viết chữ, “ném bom” để học đánh vần, bấm giờ trên điện thoại để luyện đọc văn bản… Tất cả môn học đều được cô Thuỷ biến tấu thành các trò “game hot” gắn với sử dụng từ ngữ của game để Quân hứng thú.

“Trò chơi” sôi nổi đến mức cô Thuỷ “nổi tiếng” bất đắc dĩ với biệt danh “cô giáo mê game”.

Sau 2 tuần nỗ lực “chơi game”, Quân đã viết được bằng bút chì và đánh vần được. Em không còn cầm máy chơi game nữa, có hứng thú học bài hơn.

anh-5.jpg
Tham vấn ý kiến Ban Giám hiệu nhà trường về áp dụng phương pháp dạy học sinh chậm tiến.

Tôi thấy mình thật “giàu có”

Cô Hoàng Thị Mỹ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Thuỷ là một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng hết sức tâm lý. Cô luôn coi học trò như con của mình. Cô tự tìm nhiều phương pháp riêng để dạy học sinh, nhất là những em chậm tiến. Thực tế, các phương pháp đó đã phát huy hiệu quả tích cực, được Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên nhà trường và phụ huynh tin tưởng”.

Nói về phương pháp dạy học của mình, cô Thuỷ cho biết: “Thay vì thấy mình là một cô giáo “dị”, chỉ thích “khác người”, thì tôi lại coi đó là phương pháp dạy học riêng. Bởi mục tiêu của tôi vẫn là truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học sinh, nhất là các học sinh chậm tiến, dù có phải tốn thời gian, đòi hỏi kiên trì, nhẫn nại hơn nhiều so với cách dạy học thông thường”.

Ngoài trò Quân, trước đây cô Thuỷ cũng đã kèm cặp trò Nguyễn Trung Nghĩa tiến bộ từng ngày. Theo cô Thuỷ, phương pháp dạy học của cô không có gì đặc biệt. Chủ yếu là tìm được ra nguyên nhân của việc tiếp thu chậm, nghịch ngợm… Từ đó, nắm bắt tâm lý của trẻ, định hướng kịp thời, đúng đắn và luôn bên cạnh động viên, truyền lửa yêu thương… Có như vậy thì mới có phương pháp khắc phục hợp lý, giúp các em ngoan ngoãn, phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa.

Sau 12 năm làm giáo viên tiểu học, tôi cảm thấy tình yêu trẻ của tôi lớn dần. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên như chính hai đứa con thơ của mình, tôi thấy mình thật “giàu có”. Chính duyên làm nghề giáo khiến tôi có nhiều đứa con hơn các bà mẹ bình thường khác.“Lắm con, nhiều của” là vậy – Cô Thuỷ chia sẻ.

Bài liên quan
Hành trình níu con chữ, chia sẻ yêu thương của cô giáo Nhượng
"Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp tôi theo học sinh vào bản, hòa nhập với người dân ở đây tôi dần quên đi tiếng xe, tiếng nhạc ở miền xuôi, thay vào đó là những tiếng I, A hàng ngày của trẻ" - cô giáo Nhượng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Cô giáo mê game" thách đấu học trò