Ông Thạnh cho rằng để làm được điều này, từ năm ngoái khi dịch Covid-19 bùng phát, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các thầy cô bộ môn thể dục xây dựng nội dung bài tập theo chủ đề, hướng dẫn cho học sinh tập luyện ở nhà, đáp ứng tiêu chí môn giáo dục thể chất. Trong đó, chắt lọc từ sách giáo khoa, tài liệu dạy học các nội dung bài tập cơ bản rèn luyện thể lực, kỹ năng cơ bản trong vận động. Ngoài ra, trong quá trình dạy, giáo viên sẽ sử dụng các clip để hướng dẫn bài tập thể chất, học sinh có thể xem được hình ảnh trên đó để làm theo.
“Đúng là ban đầu có khó khăn vì giáo dục thể chất là một môn học rất đặc thù. Khác với các môn học khác đã có tài liệu cứng, nội dung quen thuộc..., môn thể dục còn rất xa lạ với khái niệm học trực tuyến. Giáo án số thậm chí xa lạ trong tâm lý của nhiều bậc phụ huynh, học sinh”, ông Thạnh nói.
Phản hồi ý kiến của một số phụ huynh cho rằng không nên đưa môn giáo dục thể chất vào dạy trực tuyến, ông Thạnh cho rằng việc đưa môn thể dục vào là quan trọng, đặc biệt là trong mùa dịch này. Theo ông, môn giáo dục thể chất có hướng dẫn các kỹ năng vận động, tập luyện để đảm bảo sức khỏe, phòng chống Covid-19.
“Không thể nói vì dịch bệnh, vì khó khăn trong dạy trực tuyến mà bỏ đi nội dung giáo dục thể chất. Nếu bỏ sẽ khuyết đi một mảng rất quan trọng trong giáo dục con người nói chung và học sinh nói riêng. Bởi một trí óc thông minh cần sống trong một cơ thể khỏe mạnh”, ông Thạnh giải thích.
Cũng theo ông Thạnh, với việc dạy trực tuyến môn thể dục, có phụ huynh đồng thuận nhưng cũng có phụ huynh không, đó là nhận thức của xã hội. “Việc của giáo viên, của ngành giáo dục là phải trao đổi với phụ huynh, tạo ra sự đồng thuận về việc giáo dục thể chất trực tuyến lúc này có tác dụng như thế nào”, ông Thạnh nhấn mạnh.