Bà phu nhân Trương Quận công thương con nhưng sợ chồng, không biết làm thế nào đành vào nhà xúc mấy bơ muối cho con gái mang theo, nhưng kỳ thực trong đó bà đã lén bỏ mấy lạng vàng. Tiểu thư đang sống cảnh giàu sang, nay bị đuổi ra khỏi nhà, sống cuộc sống lam lũ, nghèo khó nhưng không hề than phiền, trách móc.
Ngược lại, cô hết lòng chăm lo cho mẹ chồng, động viên chồng cố công học tập. Biết vợ chịu thiệt thòi, Hồ Sĩ Dương rất trân trọng, thương yêu vợ, có lần ông cất câu hát vui: Bây giờ gánh nước mỏi vai/Mai sau đi hán đi hài mỏi chân.
Nhờ nỗ lực đèn sách, sau khi thi đỗ, ông làm quan trải nhiều chức vụ như Tham tụng, Thượng thư bộ Hình kiêm Đông các Đại học sĩ, Giám tu Quốc sử, tước Duệ Quận công.
Không biết sau khi đỗ ông có cho trải chiếu hoa từ làng mình sang làng Phú Nghĩa như lời thách đố trước kia của bố vợ hay không, nhưng công tích của ông thì người đương thời chẳng ai không biết.
Năm 1673 Hồ Sĩ Dương đi sứ Trung Quốc và hiến kế giúp vua Khang Hy bình định nạn Tam phiên. Ảnh minh họa: IT. |
Ban đầu, Hồ Sĩ Dương trải qua các chức võ quan kinh lược Tuyên Quang. Ông dẫn quân đi kinh lược, bình định được thủ lĩnh Mã Thúc Lan. Sau đó, ông được bổ chức Lại khoa đô cấp sư trung thăng Đông các Đại học sĩ…
Nhờ tài năng hiếm có nên Hồ Sĩ Dương nhiều lần được cử đón tiếp sứ thần phương Bắc, cử đi giao thiệp tranh cãi biên giới 5 lần đều thắng lợi.
Sử cũ còn ghi: “Tháng 12/1665 cho Hữu Thị lang bộ Binh Nhuận Duệ tử Hồ Sĩ Dương tước bá vì nhiều lần đi lên cửa quan đợi mệnh tiếp sứ thần được việc”, “Tháng 12 (nhuận) 1669 cho Hồ Sĩ Dương tước hầu… vì cớ làm hậu mệnh đón tiếp sứ thần có công” (Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục).
Theo sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề, nhờ thầy học là Dương Tồn truyền binh pháp nên có lần đi sứ sang Trung Hoa, ông đã đem thao lược giúp nước này đánh tan được giặc, còn ở nước nhà trong dịp Nam chinh - ông đã từng lập chiến công khiến cho lân bang phải kinh sợ.
Đối chiếu với sử liệu, năm 1673 Hồ Sĩ Dương được cử đi sứ sang Trung Quốc. Lúc này, nhà Thanh có nạn Tam phiên, ông đã hiến kế cho vua Khang Hy thuyết phục được Thượng Chí Tín và Cảnh Thịnh Trung về hàng triều đình để tập trung lực lượng đánh thắng Ngô Tam Quế. Bởi vậy, ông được vua Khang Hy tặng danh hiệu “Hồ sinh Phật” (Phật sống họ Hồ).
Năm 1676, ông làm Tham tụng, kiêm Thượng thư bộ Công, cùng năm ông được sai Giám tu Quốc sử Thượng thư bộ Hình kiêm Đông các Đại học sĩ. Sau đó, ông được thăng Thượng thư bộ Lễ.
Ngoài lĩnh vực ngoại giao, quân sự, Hồ Sĩ Dương còn là một học giả uyên bác. Ông là tác giả các tác phẩm: Trùng san Lam Sơn thực lục, Hoan Châu phong thổ ký, Hồ Thượng thư gia lễ, Hồ tộc phổ ký, Đại Việt Lê triều đế vương Trung hưng công nghiệp thực lục, Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền, Thục An Dương Vương sự tích, Trưng Vương công thần phả lục, Thiên Nam ngữ lục, Trinh tiết phu tỉ muội bi ký, Khuông lộc hầu bi ký, Tam tòa đại vương miếu bi ký.
Không chỉ vậy, ông còn tham gia biên soạn bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” (quyển 11 đến quyển 15), hiệu đính bộ “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” và nhuận chính “Nam giao điện bi ký”.
Là quan lớn, nhưng Hồ Sĩ Dương rất chăm lo đời sống người dân. Tộc phả và văn bia tại đền thờ có ghi chép lại, ông tặng nhiều mẫu ruộng trong huyện. Người làng khi thọ 60, 70, 80 tuổi đều được ông tặng 1 đấu thóc và 3 quan tiền. Ông cũng chăm lo việc cải tạo đồng ruộng, sửa chữa chùa chiền.
Ông cũng dùng của cải, ruộng đất triều đình ban tặng để cho tặng người dân, lập nên 5 thôn mới: Như Bá (Quỳnh Bá), Tiên Đội (Quỳnh Hoa), Mỹ Hòa (Quỳnh Mỹ), Thọ Vực (Quỳnh Thọ), Bảo Yên (vùng Hoàng Mai).
Năm 1681, Hồ Sĩ Dương qua đời ở tuổi 61, được phong Thiếu bảo duệ Quận công. Tương truyền vua Lê đã tặng ông bức đại tự có 4 chữ “Thái Sơn Bắc Đẩu” – chỉ người có tài năng và danh tiếng cao như núi Thái Sơn và sáng như sao Bắc Đẩu. Bức đại tự hiện vẫn được treo chính giữa điện thờ Hồ Sĩ Dương tại làng Quỳnh.