Không ngừng đổi mới phương pháp
“Nói đến Lịch sử, nhiều khi chưa học, chưa đọc nhưng nhiều HS vẫn bị ám ảnh bởi những số liệu khô khan, hoặc là cách truyền đạt theo lối mòn truyền thống dễ gây nhàm chán”, cô Lê Thị Ngân, GV Sử Trường THPT Triệu Sơn 4 chia sẻ.
Bởi vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ là chìa khóa giúp HS hứng thú với môn Lịch sử nhiều hơn. Theo cô Ngân, có nhiều phương pháp giảng dạy đem lại hiệu quả cho giờ dạy. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào đặc trưng từng bài, từng phần và từng giai đoạn lịch sử khác nhau.
Một trong những phương pháp được nữ GV sử dụng đó là "liên môn". Chẳng hạn, khi giảng bài 7: Những thành tựu văn hóa thời cận đại trong chương trình sách giáo khoa lớp 11, cô Ngân đã sử dụng kiến thức liên môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, âm nhạc và hội họa đã nhận được hiệu ứng vô cùng tích cực. HS không chỉ hứng thú với giờ học mà còn phát huy được tính chủ động và thúc đẩy khả năng tư duy, tìm tòi kiến thức.
Với việc vận dụng kiến thức các môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, âm nhạc và hội họa đã mang tới giờ học vô cùng sinh động. HS không chỉ hứng thú mà còn phát huy được tính chủ động và thúc đẩy khả năng tư duy, tìm tòi kiến thức.
“Mặc khác, phương pháp này còn có tác dụng trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức và góp phần hình thành nhân cách học trò”, cô Ngân chia sẻ.
Không ngừng đổi mới phương pháp cũng là cách làm của cô giáo Trịnh Thị Hạnh (GV Lịch sử, Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Ngoài những kiến thức giảng dạy trên lớp, cô Hạnh thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa thông qua các buổi tham quan di tích, bảo tàng và thư viện… nhằm giúp học trò có thêm những trải nghiệm thực tế thông qua hình thức quan sát trực tiếp.
“Thay vì kiểm tra bài cũ theo hình thức trả bài, chúng tôi thường giao các dạng bài tập cho HS, hoặc để các em tự phát biểu ra những suy nghĩ của mình từ những kiến thức đã được dạy.
Trong trường hợp lĩnh hội thêm kiến thức mới, trên cơ sở thực tiễn từ sách giáo khoa cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng những phương pháp mới để mang tới cho các em giờ học hiệu quả”, cô Hạnh chia sẻ.
Giành giải Nhất môn Lịch sử lớp 9 tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022, em Lê Thị Thu Hòa, HS lớp 9B, Trường THCS Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn.
“Mặc dù chuyên các môn tự nhiên, song em vẫn sẽ lựa chọn thêm Lịch sử để tiếp nối mạch đam mê của mình khi vào THPT. Lý do là vì em vô cùng ấn tượng với những sự kiện lịch sử, đặc biệt là những trận đánh hào hùng của lớp lớp cha, ông trong quá khứ”, nữ sinh bộc bạch.