Cho đến khi nghỉ hưu, nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân vẫn tiếp tục xông pha trong “cuộc chiến” thanh toán nạn thất học, tự nguyện làm điểm tựa tinh thần cho Câu lạc bộ UNESCO Chiến sĩ diệt dốt và học tập cộng đồng Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoạt động hiệu quả.
Câu lạc bộ đã tập hợp những người từng tham gia công việc truyền bá quốc ngữ, dạy các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay để phổ biến kinh nghiệm dạy học, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và ngành Giáo dục xóa nạn mù chữ, chống nạn thất học và nâng cao dân trí.
Hơn 200 hội viên đều thuộc lứa tuổi “xưa nay hiếm” nhưng đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa như tham gia đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng; tổ chức hội thảo “Điều tâm huyết đối với giáo dục người lớn”. Câu lạc bộ đã góp tiếng nói quan trọng trong việc kiến nghị, đề xuất với Chính phủ cho ra đời Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.
Năm 2020, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, “lão tướng” diệt giặc dốt Nguyễn Thìn Xuân đã tham gia cùng ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng tổ chức cuộc tổng kết phong trào Bình dân học vụ do Bác Hồ khởi xướng 75 năm trước, để rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần duy trì và phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Nhà giáo ở tuổi bách niên cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, chỉ cần “nhấp chuột” thì cả thế giới hiện ra trên màn hình máy vi tính. Tuy nhiên, việc chống giặc dốt vẫn chưa bao giờ hết tính thời sự, vai trò của các “Chiến sĩ diệt dốt” năm xưa luôn được trân trọng.
Bởi xã hội càng hiện đại, văn minh, mọi người càng cần có nhiều kiến thức. Ở mỗi giai đoạn, Nhà nước sẽ có chính sách phát triển giáo dục khác nhau. Chẳng hạn năm 2005 có kế hoạch xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội học tập; năm 2020 có nghị quyết đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số quốc gia... Công cuộc xóa mù chữ không phải đã kết thúc mà mỗi giai đoạn sẽ gắn với mục tiêu phát triển riêng.
Hiện tại, ông Xuân sống cùng gia đình người con trai tại phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mặc dù đôi bàn tay bị ảnh hưởng của bệnh Parkinson, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông vẫn sử dụng máy vi tính để vào mạng cập nhật tin tức thời sự và viết bài cho các báo.
Cuối đời, tôi chẳng có gì đáng kể để lại cho con cháu ngoài cái tâm luôn trong sáng. Lăn lộn với phong trào truyền bá quốc ngữ, bình dân học vụ, tôi chỉ có mấy “bồ chữ” phổ thông “a-bờ-cờ” và “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu” để làm kỷ niệm lúc về già, nhưng nỗi lòng với sự nghiệp giáo dục thì chưa bao giờ vơi cạn. - Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân