Loạt tranh của Ca Lê Thắng đẹp huyền ảo như một giấc mơ. Và suốt một đời người, có mấy giấc mơ mà thật long lanh và mầu nhiệm đến thế. Có lẽ, phải thật yêu, thật say, thật mộng mơ với thiên nhiên mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long thì mới có thể phô diễn lên tấm toan một thế giới vừa huyền bí lại gần gũi và sâu sắc đến như thế.
Cảnh giới mới ở tuổi 72
Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng, Ca Lê Thắng vẽ lên những mùa nước nổi của hiện thực và cả mùa nước nổi của tâm tưởng với bút pháp bán trừu tượng pha trộn cả trường màu toàn cảnh và cực thực cận cảnh.
Ngắm gần 50 bức hoạ “Mùa nước nổi”, người xem dễ dàng nhận ra cách mà hoạ sĩ sử dụng các gam màu có sự cọ xát nhiều sắc độ, nóng lạnh đan xen, trung tính cũng nhiều. Nhưng những bức tranh tạo được ấn tượng thị giác tốt vẫn là những bức có gam màu mạnh, rõ rệt.
Công chúng thấy trong những vỉa màu đầy tâm trạng không chỉ có đất bùn đất phù sa, cỏ cây lau lách chìm trong nước hoặc phất phơ trên mặt, mà còn như thấy cả những lớp trầm trích ngàn năm lắng lại cùng con nước nổi, cả trầm tích của thiên nhiên và trầm tích văn hóa.
Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận định, cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc, rất Nam Bộ và rất Việt Nam.
Những bức tranh “Mùa nước nổi” như những thước phim nhanh lướt qua, quá nhanh để nắm bắt hình dạng rõ ràng, nhưng cũng vừa đủ để mường tượng ra hình hài và ý đồ nghệ sĩ.
Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho biết, “Mùa nước nổi” được cho là lấy cảm hứng từ 3 tác phẩm sơn dầu mà Ca Lê Thắng vẽ năm 1987, đó là “Đồng Tháp”, “Đất thở I” và “Đất thở II”. Nhưng 3 tác phẩm ngày ấy còn cái nhìn bàng quan, kiểu đối cảnh sinh tình, nơi tâm sự của chủ thể vẫn là trung tâm. Đến “Mùa nước nổi”, Ca Lê Thắng như nhập vào cảnh vật, không để tâm trí chi phối, cưỡng cầu, mà muốn thuận theo tự nhiên.
Có lẽ vì vậy mà các kỹ thuật hội họa được ông lược bỏ tối đa, nhằm mang đến cho người xem cảm giác vẽ như không, vẽ như buông lỏng. Nếu ai từng yêu thích các kỹ thuật phức tạp, hàn lâm của Ca Lê Thắng hẳn sẽ càng ngạc nhiên hơn với chọn lựa buông lỏng lần này. Dường như phải đến một tuổi tác hoặc một cảnh giới nào đó, mới có thể buông lỏng được như vậy.
Tuy khác nhau hoàn toàn về ý niệm, chủ đề và kỹ thuật, nhưng xem “Mùa nước nổi” gợi người xem nghĩ về các tranh thủy mặc vẽ phong cảnh của Cao Hành Kiện. Cái cảm giác mờ ảo và trôi nổi khi tìm về quê hương, cố xứ đã đưa tâm thế và tâm cảnh của họ nhập vào phong cảnh. Mang cái tiểu ngã nhập vào đại ngã.
“Mùa nước nổi” như lời cảm tạ của hoạ sĩ dành cho quê hương miền Tây. Cái buồn vương và buồn trôi nổi khó có nơi nào giống vậy - Ca Lê Thắng đã diễn tả rất sâu lắng cảm xúc này. Những ai từng theo dõi hành trình sáng tạo đa dạng của ông sẽ thấy lạ lẫm với “Mùa nước nổi”, vì khác cả về ý niệm, chủ đề và cách tư duy sáng tạo”.
Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi