Ghi nhận tài năng, tâm huyết của Nguyễn Huy Oánh với sự nghiệp giáo dục, triều đình đã phong cho ông là Uyên phổ hoằng dụ đại vương và sắc phong có ghi trang trọng: “Nối nguồn thơm từ Khổng Tử; rạng dòng tốt bởi núi Ni; lấy văn trồng người mở kế trăm năm”.
Nguyễn Huy Oánh trước tác nhiều thể loại. Ông để lại 40 tập sách về văn học, lịch sử, địa lý, y học... nổi bật là các tập: Phụng sứ yên kinh tổng ca, nhật ký thơ trên đường đi sứ, Tiêu tương bát vịnh, Thạc Đình di cảo... gồm các bài ngâm vịnh và tự thuật, một tập ghi chép kèm bản vẽ “Hoàng hoa sứ trình đồ bản” rất có giá trị về địa lý và lịch sử.
Ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu và viết được nhiều bộ sách là: Quốc sử toản yếu – tóm lược quốc sử, san bổ từ khởi thuỷ đến hết thời nhà Trần, Bắc dư tập lãm - ghi chép về danh thắng Trung Quốc, Sơ học chỉ nam - hướng dẫn nhập môn cho học trò, Tính lý toản yếu và Dược tính ca quát - viết về y học, Huấn nữ tử ca - dạy con gái về công, dung, ngôn, hạnh... Đó đều là các tác phẩm có giá trị truyền đời.
Trong gia đình, Nguyễn Huy Oánh chú trọng dạy em và các con giữ đạo nhà, chuyên tâm học tập. Em trai ông là Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1772), làm quan đến Hàn lâm viện thị giảng.
Con trai ông là Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790), đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương năm 1759. Đến năm 1779 được công nhận học vị tương đương với tiến sĩ, chuyển sang ban võ nhưng vẫn sáng tác văn thơ. Nguyễn Huy Tự là tác giả truyện thơ Nôm “Hoa tiên”.
Các con của Nguyễn Huy Tự là Nguyễn Huy Phó, Nguyễn Huy Vinh và Nguyễn Huy Hổ đều tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình và đều là những văn nhân có tiếng. Trong đó, nổi bật hơn cả về văn chương và học thuật là người Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841), tác giả tập thơ Nôm “Mai Đình mộng ký” viết năm 1809.
Một dòng họ, hai di sản thế giới
Năm 1783 giữa lúc ở đỉnh cao quyền lực, Nguyễn Huy Oánh từ quan. Về quê, ông lập ra thư viện Phúc Giang và mở trường dạy học gọi là Trường Lưu học hiệu. Tại đây, ông còn cho khắc in gỗ các loại sách.
Trường học này về sau được đánh giá là một trường có thư viện đầy đủ không thua kém những trường học tầm cỡ tại Thăng Long. Chỉ riêng một Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện đã khiến Trường Lưu nổi lên như một làng văn hiến hiếm có thời xưa.
Trên 200 bản khắc gỗ, tất cả sách vở do Nguyễn Huy Oánh tổ chức in ấn đều phục vụ cho việc học tập. Ngoài ra còn hàng vạn trang chữ Hán Nôm làm tài liệu tham khảo cho học trò và các văn nhân đương thời. Thư viện của ông được triều đình cấp sắc công nhận cùng với một số thư viện tư nhân khác đương thời.
Năm 1824, triều Nguyễn (1802 - 1945) đã truy phong cho ông, ghi nhận “Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần”. Như vậy, thư viện Phúc Giang là thư viện duy nhất trong cả nước có thờ thần (vị thần chủ về học vấn, cụ thể là Nguyễn Huy Oánh). Đó là sự ghi nhận và đánh giá rất cao, hiếm có.
Các bản khắc gỗ là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn được lưu giữ ở Việt Nam. Di sản bao gồm 383 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 11 quyển) của Nho giáo và 1 quyển sách quy chế trường học: Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ.
Tháng 5/2016, Mộc bản Trường Lưu được Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới. Tròn 2 năm sau (5/2018), một di sản khác của dòng họ Nguyễn Huy là “Hoàng hoa sứ trình đồ” tiếp tục được UNESCO công nhận.
Công trình được vẽ bằng 3 loại màu với nội dung chính: Bản đồ về hành trình đi sứ từ biên giới Việt - Trung qua các châu, phủ, dịch trạm. Ghi chú về quá trình đi sứ: Thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về, ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ.
Cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh cùng các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người và nghi lễ ngoại giao.
TS Nguyễn Thanh Tùng (Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), nhận định: Trong số những công trình “trứ thuật” của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, thì “Hoàng hoa sứ trình đồ” là công trình quan trọng nhất. Đồng thời, cũng là một sứ trình đồ sớm nhất hiện còn, mở đầu cho hàng loạt sứ trình đồ sau này như: Hoàng hoa đồ phả (Ngô Thì Nhậm, đời Tây Sơn), Sứ trình quát yếu biên (Lý Văn Phức, năm 1841), Như Thanh đồ (Phạm Văn Trữ, năm 1882), Yên sứ trình đồ (Nguyễn Khắc Hoạt, năm 1876).