Những chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn dùng để làm gì?

Trần Hoà | 28/09/2022, 14:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vạc đồng thời chúa Nguyễn (10 chiếc đúc dưới thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần) tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.

Những chiếc vạc được đúc vào những thời điểm khác nhau trong thế kỷ 17. Chiếc có niên đại sớm nhất là năm 1659 và muộn nhất là năm 1684. Căn cứ vào những chữ Hán khắc trên một số vạc như: Nhất song (một cặp), nhị song (hai cặp), tam song (ba cặp)... có thể khẳng định, số lượng vạc đồng được đúc nhiều hơn số lượng hiện tồn tại.

Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động trong các cuộc chiến tranh và sự thay đổi của các triều đại, nhiều chiếc trong số đó hiện không còn nữa.

Người phương Tây đúc vạc

Theo hồ sơ và tài liệu ghi chép, trên vành miệng mỗi chiếc vạc đồng đều có ghi niên đại, trọng lượng, số lượng vạc đúc nếu là một cặp (2 cái) hoặc một bộ (3 cái). Trong số các hiện vật, di vật thời chúa Nguyễn còn lưu giữ lại đến ngày nay, xét về quy mô và số lượng - bộ sưu tập vạc đồng gồm những hiện vật đồng chất, có cùng loại hình lớn nhất.

Không chỉ thống nhất về loại hình, kiểu dáng (hình trụ, sâu lòng, đáy lõm) và đa dạng về kích thước, trọng lượng. Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn còn là những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, thể hiện sự kế thừa văn hóa cội nguồn Thăng Long. Đồng thời cũng mang tính sáng tạo của cư dân vùng đất mới Đàng Trong thế kỷ 17.

Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, tính sáng tạo là kết quả của phần tích hợp văn hóa bản địa kết hợp với những yếu tố ngoại lai - kết quả của quá trình giao lưu với văn hóa phương Tây, trong việc tiếp nhận kỹ thuật đúc đồng của người Hà Lan thời kỳ này.

Theo nhiều tài liệu, Croix - một người Bồ Đào Nha cùng những người thợ thủ công khéo tay đảm trách việc đúc vạc. Croix đến Huế vào nửa đầu thế kỷ 17, sống tại Phường Đúc (khu vực đối diện phía thượng nguồn chùa Thiên Mụ), lấy vợ người Việt và được xem là người sáng lập ra ngành đúc đồng nổi tiếng của vùng đất này.

Trong vòng 25 năm, chúa Nguyễn Phúc Tần đã lệnh cho ông đúc rất nhiều vạc đồng và vũ khí. Mục đích của chúa Nguyễn khi cho đúc những chiếc vạc đồng này là để biểu dương uy quyền và sự bền vững của triều đại, đánh dấu những chiến thắng với quân Trịnh trong công cuộc mở mang lãnh thổ.

Ngoài những motif trang trí truyền thống của Việt Nam như văn lá đề, hoa, chim thú, quai tạo hình rồng… trên các vạc đồng này còn có những motif trang trí khá lạ mắt mang phong cách mỹ thuật phương Tây. Điều này chứng minh khả năng những chiếc vạc này được đúc dưới sự cố vấn của người nước ngoài trong thời gian họ ở lại làm việc cho chính quyền Đàng Trong - điều khá phổ biến vào thời kỳ này.

Vì thế, các nhà nghiên cứu nhận định 10 chiếc vạc đồng là những bằng chứng ít ỏi, nhưng hết sức tiêu biểu của nền mỹ thuật và kỹ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn.

Những chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn dùng để làm gì? ảnh 1
Vạc đồng tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.

Giải mã hoa văn trên vạc

Nhóm vạc đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn có ba chiếc tiêu biểu. Trong đó, gồm một chiếc ở trước nền điện Kiến Trung - đúc năm Thịnh Đức thứ 7 (1659), một chiếc trước nhà Tả Vu - đúc năm Thịnh Đức 8 (1660) và một chiếc ở trước nhà Hữu Vu - đúc năm Thịnh Đức thứ 10 (1662).

Những chiếc vạc này đều có thành đứng thẳng, miệng loe rộng và cong ngửa. Vạc có bốn quai vặn thừng gắn trên miệng, bố cục theo băng ngang vòng quanh từ trên xuống. Tổng cộng có chín băng cách nhau bởi những đường gờ nổi vuốt tròn mặt ngoài.

Trong đó, các băng (tính từ trên xuống) 3 - 4 - 6 - 7 hẹp để trơn, các băng 1 - 9 rộng vừa phải, có hoa dây uốn sóng chạy liên tục thành vòng kín. Các băng 2 - 5 - 8 rộng hơn và là phần trang trí chính được các nhóm vạch thẳng đứng chia thành các ô chữ nhật bằng nhau, xếp lệch nửa ô, mỗi ô là một đồ án hoa văn riêng. Riêng băng 5 của chiếc vạc trước điện Kiến Trung không bị cắt ngang, hoa văn chạy thành vòng kín.

Ba chiếc vạc này nặng và to xấp xỉ nhau. Chiếc vạc ở trước nhà Tả Vu nhỉnh hơn cả: Nặng 2.582 cân (ta), đường kính miệng 2,2m, đường kính trong lòng 1,83m, cao 1,05m (kể cả quai cao 1,30m).

Theo các nhà nghiên cứu, lối trang trí theo băng ngang vòng quanh khép kín vốn được ưa chuộng từ văn hóa Đông Sơn. Trong có những băng chạm hoa dây uốn sóng nhịp điệu.

Hoa văn trang trí gồm có hoa, lá, chim và thú. Chiếc vạc đúc năm 1695 chỉ hoa và lá, nhưng sang hai chiếc vạc đúc năm 1660 và 1662 đã có thêm chim và thú. Chim và thú trang trí trên vạc năm 1660 đều chuyển động ngược chiều kim đồng hồ, nhưng sang chiếc vạc năm 1662, đã thấy có con đi theo hướng ngược lại.

Nhóm vạc đúc cuối và sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn đáng chú ý với 3 chiếc mang niên đại Cảnh Trị và 1 chiếc có niên đại Chính Hòa. Chiếc vạc đúc năm 1670 chỉ sau chiếc vạc muộn của nhóm vạc trước có 8 năm, nhưng kể về kiểu dáng, bố cục và hoa văn lẫn kích thước đã hoàn toàn khác trước, mở ra một hướng phát triển mới.

Hai chiếc vạc đúc năm 1762, một chiếc ở chếch bên trái sau điện Thái Hòa, một ở bên phải trên nền điện Càn Thành. Chiếc vạc đúc năm 1684 cũng ở nền điện Càn Thành nhưng về bên trái.

Nhóm vạc này về kích thước có xê dịch một chút, nhưng kiểu dáng thì hoàn toàn thống nhất. Chiếc vạc lớn nhất ở nền điện Càn Thành nặng 1.390 cân (ta), đường kính miệng 1,69m, cao 0,94m. Nhóm vạc này có thành đứng thẳng hơi choãi ra, miệng vạc hơi loe ngang gần vuông góc với thành vạc, đáy bằng, có bốn cặp quai gắn dọc gần vuông góc với thành và sát với miệng vạc.

Kiểu dáng gần như chậu cảnh bằng sành hoặc sứ, trang trí ở mặt ngoài thân vạc khoảng một phần ba kể từ cổ xuống. Viền cổ vạc là một băng hoa dây uốn sóng 24 khúc, trừ 8 khúc uốn úp gắn điểm trên của quai, còn 4 khúc uốn úp và 12 khúc uốn ngửa được chạm hoa, lá hoặc chim thú.

Dưới băng hoa dây là hàng “lá sòi”, dưới mỗi lá sòi có dải 5 chấm. Hoa ở nhiều chỗ có thể nhận ra được là sen, cúc và mẫu đơn.

Về hướng chuyển động của chim và thú, ở trên chiếc vạc đúc năm 1670 có tám con thì bảy con chuyển động ngược chiều đồng hồ, chỉ có một con chim bay ngược lại. Sang chiếc vạc đúc 1672, chim và thú chuyển động tùy tiện, con xuôi con ngược. Đến chiếc vạc ở chếch sau điện Thái Hòa cũng đúc năm 1672 nhưng muộn hơn 6 tháng, thì toàn bộ chim lại chuyển động xuôi chiều kim đồng hồ, không có con thú nào.

Chiếc vạc đúc năm 1684 thì không chỉ thú mà cả chim cũng vắng bóng, chỉ còn hoa lá. Dõi theo thứ tự thời gian trên các vạc này, hình khắc ngày càng thô.

Vạc đồng dùng để làm gì?

Những chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn dùng để làm gì? ảnh 2
Vạc đồng thể hiện sức mạnh, không phải dùng để trừng trị kẻ phạm tội.

Căn cứ vào tài liệu lịch sử cũng như kết quả khảo cổ, nhìn chung vạc đồng được đúc từ năm 1659 đến 1684, nằm trọn trong đời chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần. Đó là thời điểm cả nước bị cuốn vào cuộc chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn, từ 1627 đến 1672 để rồi bị chia thành hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Trên các vạc đồng, đều tính thời gian theo niên đại các vua nhà Lê. Phong cách nghệ thuật được đánh giá là thống nhất, nhưng cũng có đôi nét mới lạ - do tính địa phương và trình độ nghệ nhân Đàng Trong mới tập hợp cùng sự tham gia của chuyên gia đúc đồng phương Tây.

Chúa Nguyễn Phúc Tần muốn đề cao dòng họ nhưng chỉ đúc vạc. Về truyền thống, vạc do vua ban tặng những dòng họ thế phiệt có công lớn với triều đình. Như vậy, chúa Hiền vương chỉ mới đưa họ Nguyễn lên hàng quý tộc thế phiệt.

Bằng chứng là những chiếc vạc này dù “luộc được cả con trâu”, nhưng chiếc lớn nhất chỉ nặng 2.482 cân, chiếc nhỏ nhất nặng 938 cân. Đến khi triều Nguyễn được thành lập, bộ “cửu vị thần công” đúc năm 1803 bằng đồng, khẩu nặng nhất lên đến 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất cũng nặng 17.100 cân. Bộ “Cửu đỉnh” đúc năm 1835, nặng nhất 4.307 cân, chiếc nhẹ nhất 3.160 cân.

Những chiếc vạc này do nhà chúa sai đúc nhưng ở đây nghệ thuật chính thống đã dung nạp nghệ thuật dân gian cả trong đề tài và phong cách biểu hiện.

Nhóm vạc đồng đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn tượng trưng quyền uy nhà chúa, gây ấn tượng về thứ “vạc dầu” ghê rợn, hình trang trí dày đặc và nặng nề. Nhóm vạc đúc ở cuối và sau chiến tranh, chúa Nguyễn không đạt được ước vọng làm chủ thiên hạ nên vạc tăng chiều cao, thu hẹp chiều rộng, cuộn miệng lại như đường gờ, tạo dáng thanh thoát và trang trí nhẹ nhàng giống chậu hoa cây cảnh.

Có thời gian, nhiều người cho rằng các vạc đồng thời chúa Nguyễn đúc ra dùng để trừng trị tội phạm hoặc những kẻ phản bội. Tuy nhiên, không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh giai thoại đó. Vạc đồng – cơ bản chỉ là vật biểu trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.

Ngoài các vạc này, Cố đô Huế còn có thêm vạc đồng thời Minh Mạng niên đại 1825 - 1828, được đặt tại điện Hòa Khiêm, Lăng Tự Đức. Bốn chiếc được đặt đối xứng với nhau, lấy trục đối xứng là đường Thần đạo của phần tẩm điện chính giữa sân.

Bài liên quan
Trân quý di sản văn hóa quê hương
Nói thơ Vân Tiên” là lối nói mộc mạc truyền miệng trong dân gian ở miền Nam, đặc biệt là huyện Ba Tri, Bến Tre, nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu gắn bó với người dân trong 26 năm cuối đời.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn dùng để làm gì?