“Tôi thích thể hiện những ý tưởng mà nó thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam. Bởi vì quanh chúng ta có nhiều thứ thú vị về đời sống con người, về đời sống văn hóa.
Tôi sử dụng những kỹ thuật, những góc nhìn mới để làm cho chất liệu văn hóa dân gian hiện đại hơn, hay hơn và thể hiện được thời đại tôi đang sống”, nhà điêu khắc Vũ Bình Minh cho hay.
“Phiêu” trên đất cao nguyên
Sự thành công của hai giảng viên điêu khắc không chỉ thể hiện qua những triển lãm trong và ngoài nước. Có tác phẩm trong nhiều bộ sưu tập quan trọng, mà còn qua việc họ tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều tác giả ở thế hệ kế cận.
Tuy vừa mới ra trường nhưng bề dày hoạt động của các điêu khắc gia Minh Anh, Nguyễn Thùy Dương, Vũ Tuấn Đạt, Nguyễn Hoàng, Lưu Văn Liêm không hề mỏng. Họ đều là học trò hoạt động gắn bó với các hai người thầy có mặt trong triển lãm lần này tại Đà Lạt.
Tượng của Minh Anh rất nữ tính, sử dụng nét cứng (kim loại) và nét mềm (mica) để xâm chiếm không gian, tạo ra những câu hỏi đối nghịch. Nguyễn Thùy Dương lại chú tâm vào điêu khắc ứng dụng, trong đó mỗi tác phẩm sinh ra để tương tác với một không gian kiến trúc cụ thể.
Vũ Tuấn Đạt có kỹ năng thể hiện rất ấn tượng và tác phẩm chứa không ít những hoài bão danh phận với nghề. Nguyễn Hoàng là một nghệ sĩ có cá tính mạnh mẽ và thành công khi truyền tải sự phóng khoáng của tính cách vào trong những tác phẩm inox hàn.
Loạt tác phẩm “Khởi nguồn từ số 0” lại là một phương án khác mà Đạt nghiên cứu thể hiện sự biến đổi. Lấy số 0 làm điểm xuất phát, Đạt bắt đầu những phác thảo của mình từ những khối tròn rồi sau đó bẻ, bóp, ép, kéo… theo những hướng khác nhau, tạo ra những chuyển động tưởng ngẫu hứng nhưng cũng đầy tính toán.
Lưu Văn Liêm lại thể hiện những năng lượng tích cực trong các tác phẩm về sự sống, sự phát triển cũng như tiến hóa…
Người duy nhất bày các tác phẩm hội họa trong triển lãm là họa sĩ Phạm Huy Thông, người có nhiều trải nghiệm sống ở nhiều vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Tác phẩm của anh thể hiện mối quan tâm tới những chuyển động trong xã hội, đặc biệt là xã hội Việt Nam và tâm thái người Việt.
Những bức tranh trưng bày trong triển lãm “Phiêu tháng sáu” được trích từ bộ tranh “Ấp ủ”. Trong đó hình ảnh những công trình phủ bạt dứa sọc chỉ là cái cớ ban đầu để thể hiện những ước mơ hay phản ảnh những thực tế nằm ngoài biên giới hiện hữu của công trường.
Triển lãm “Phiêu tháng sáu” không phải là triển lãm đầu tiên của những nghệ sĩ Hà Nội ở Đà Lạt. Tuy nhiên có thể nói, đó là một trong những nỗ lực tiên phong để Đà Lạt giao lưu nghệ thuật nhiều hơn với các thành phố khác, nhằm thúc đẩy cao nguyên không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng mà còn là nơi hội tụ nghệ sĩ và là trung tâm nghệ thuật ở phía Nam.