Tiến sĩ Hán Nôm 'đắng lòng' trước cảnh di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại

Trần Hoà | 17/03/2023, 09:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tiến sĩ Viện nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện cảm thán trước cảnh di tích quốc gia động Hồ Công ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) bị xâm hại nghiêm trọng.

335660993_747929543476661_7283468900964476692_n.jpg

Động đẹp nhất trời Nam

Thắng cảnh động Hồ Công gồm quần thể chùa Du Anh, động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong. Chùa Du Anh (chùa Thông) tọa lạc dưới chân núi Xuân Đài, gắn với sự tích vua Trần Nghệ Tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa và dưỡng bệnh.

Từ chùa Du Anh, men theo các bậc đá nằm sườn núi phía Đông Nam đến động Hồ Công. Động này có hình dáng giống như bầu đá khổng lồ nằm lưng chừng núi Xuân Đài. Vẻ đẹp của động đã được sách “Đại Nam nhất thống chí” ca ngợi, rằng: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng...”, và “Nam Thiên tam thập lục động, Hồ Công Đệ Nhất” (Trời Nam có 36 động thì động Hồ Công là đẹp nhất).

336460656_2202223613321895_8022781838863887503_n.jpg

Tên gọi của động gắn với truyền thuyết hai cụ già Hồ Công Long và Phí Trường Phòng luyện thuốc tu tiên rồi hóa ở đây. Động có chiều dài 45m, rộng khoảng 23m. Lối lên động có tảng đá khắc bốn chữ “Thanh kỳ khả ái” do tự tay chúa Trịnh Sâm – tức Nhật Nam nguyên chủ viết ra vào tháng 10 năm 1770.

Trên vách động còn có các bài thơ Ngự đề của các vua Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, chúa Trịnh Sâm và thơ văn bút tích các danh nho: Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Nguyễn Du) và Ngô Thì Sĩ. Với những giá trị to lớn về phương diện nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo, năm 2009 khu danh thắng động Hồ Công được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Là một thắng cảnh hiếm có, thế nhưng hoạt động xâm hại và tự ý thay đổi hiện trạng đã khiến cho di tích giảm mất giá trị. Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, ngày 15/3 Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, UND xã Ninh Khang, sư trụ trì chùa Thông dừng ngay các hoạt động xây dựng, cải tạo trong khu vực di tích.

dong-ho-cong-1.jpg

Tự ý xây bệ thờ, đưa tượng thờ, di vật… vào di tích động Hồ Công.

Văn bản cũng yêu cầu tháo dỡ các bục, bệ đã xây, ốp gạch men; di chuyển, đưa toàn bộ hệ thống tượng, bát hương, di vật… ra khỏi động Hồ Công, trả lại nguyên trạng mặt bằng, cảnh quan, không gian của di tích trong ngày 17/3.

dong-ho-cong-2.jpg

Văn bản chỉ đạo của Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá.

Ngày 16/3, ông Hoàng Xuân Minh – Chủ tịch UBND xã Ninh Khang thừa nhận có sự việc xâm hại đến di tích. “Trong ngày hôm nay (16/3), chúng tôi tiến hành tháo dỡ các hạng mục trái phép ra khỏi động Hồ Công”.

dong-ho-cong-3.jpg

Ngày 16/3, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá thực hiện di dời bệ thờ và các di vật ra khỏi động Hồ Công, trả lại nguyên vẹn mặt bằng di tích.

Văn bản của Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tự ý xây dựng, đưa tượng, di vật… vào động Hồ Công. Đồng thời, giao Trung tâm nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hoá hướng dẫn địa phương khắc phục sai phạm. Yêu cầu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá kết quả xử lý trước ngày 25/3.

Bài liên quan
Di tích đình chùa Vàng bị xâm phạm: Bộ VH-TT&DL yêu cầu xử lý dứt điểm
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Công văn gửi UBND TP Hà Nội về việc xử lý xâm phạm di tích quốc gia chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến sĩ Hán Nôm 'đắng lòng' trước cảnh di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại