Vị tiến sĩ khai khoa đất Thăng Long

Trần Hoà | 19/12/2022, 11:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người những tưởng Chu Văn An là nhà khoa bảng mở đầu nền khoa cử Thăng Long, nhưng chính Bùi Quốc Khái mới là vị tiến sĩ khai khoa.

Nội dung văn bia, lược dịch như sau: “Thường nghe văn vốn ở tại đây, lễ khởi xướng từ nghĩa. Kính cẩn thay, bậc tiên hiền bản xã ta họ Bùi tự là Quốc Khái, thi đình khoa Ất Tỵ đời vua Lý Anh Tông, có ba vị đỗ đầu thì ông đỗ thứ hai, làm quan đến chức Đô ngự sử.

Đến nay có di bảo tại ruộng chùa ở xứ Trung Đồng, tỏa hương ngào ngạt, núi Đẩu ngưỡng vọng. Vì thế Hội Tư văn mua thêm một khu đất tư ở xứ ngõ Vĩnh Phúc dựng từ chỉ để làm nơi tế lễ dài lâu… Từ nay về sau hàng năm hai kỳ tháng trọng mùa xuân, mùa thu và hai ngày tế Đinh, chuẩn bị đủ lễ vật dâng đến từ chỉ tế lễ.

Kính tế Bùi tướng công đỗ Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất giáp Đệ nhị danh, Bảng nhãn khoa Ất Tỵ, làm quan chức Đô ngự sử ở Ngự sử đài; cùng phối hưởng là Tả Thừa tướng Nguyễn tướng công, Hậu thần Chỉ huy Đồng tri Ngô tướng công, cùng các vị trúng thí các chức và các lệnh công đỗ Hương thí Tứ trường, Tam trường; các vị trùm trưởng, viên mục, hương sắc trên dưới cùng hâm hưởng. Các vị anh linh sinh trúng Đình nguyên, được thờ cúng muôn vạn năm, mãi mãi hương khói trường tồn cùng đất trời. Nhân đó khắc bia đá lưu truyền về sau”.

Ông Thuân và giới nghiên cứu khẳng định, đây là văn bia văn chỉ của Hội Tư văn xã Bằng Liệt huyện Thanh Trì xưa - được dựng vào năm Giáp Thìn đời vua Lê Hiển Tông (năm 1784).

Cũng vì ở thời điểm này ghi lại khoa thi của Bùi Quốc Khái vào khoa Ất Tỵ thời Lý (năm 1185), nên đã theo truyền ngôn mà quy đổi ra các chức danh khoa bảng đương thời (thời Lê) như “Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất giáp Đệ nhị danh Bảng nhãn...”.

Thực ra, nhà Lý tổ chức khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão - 1075, gọi là khoa Minh kinh bác học. Khoa thi này được chép trong chính sử, Lê Văn Thịnh trúng tuyển cho vào hầu vua học.

Tuy nhiên, sử liệu cũng không cho biết cụ thể hơn. Tiếp đó, chính sử còn ghi chép được 5 khoa thi vào các năm Bính Dần đời Lý Nhân Tông (năm 1086), Ất Dậu đời Lý Anh Tông (năm 1165), Ất Tỵ (năm 1185) và Quý Sửu (năm 1193) đời Lý Cao Tông.

Chính vì sử liệu không ghi cụ thể, nên người đời sau quy đổi sang các danh hiệu tương tự. Thực ra, tên gọi Bảng nhãn không ghi liền với danh hiệu “Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất giáp Đệ nhị danh”, mà chỉ tương ứng với danh vị này. Ngoài ra, còn có sự nhầm lẫn về triều vua năm Bùi Quốc Khái thi đỗ là vua Lý Cao Tông chứ không phải Lý Anh Tông như văn bia đã ghi.

“Dẫu sao thì, Bùi Quốc Khái đã tham gia kỳ thi của triều đình nhà Lý, khoa thi đó là năm Ất Tỵ (năm 1185) và được gọi chung là Minh kinh bác học, tiền thân của khoa thi Tiến sĩ sau này”, nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân cho biết.

Người khai khoa Thăng Long

Vị tiến sĩ khai khoa đất Thăng Long ảnh 3
Bùi Quốc Khái đỗ đầu khoa thi năm 1185, và trở thành người khai khoa của Thăng Long. Ảnh minh họa: IT

Về quê quán của Bùi Quốc Khái, tài liệu “Đăng khoa lục” ghi: “Bùi Quốc Khái, người xã Bình Lãng huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Thu Lãng, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Đỗ khoa thi chọn người giỏi thi thư năm Ất Tỵ niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185) đời Lý Anh Tông”. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, thì tại làng Thu Lãng không có di tích nào về Bùi Quốc Khái.

Giới nghiên cứu cho rằng, “Đăng khoa lục” cũng là tài liệu ghi chép về sau, nên rất khó tách bạch nơi sinh ra và nơi sinh sống, như Nguyễn Trung Ngạn đỗ Thái học sinh thời Trần được ghi quê xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi (Hưng Yên), nhưng vẫn còn quê khác là ở Nam Đàn (Nghệ An). Dòng tộc Nguyễn này xác nhận Thổ Hoàng là nơi ông sinh ra, còn Nghệ An là nơi ông từng làm quan sinh sống và để lại dòng tộc Nguyễn Trung ở đây.

Thời xưa khi đi thi, thí sinh phải khai lý lịch đến ba đời, khai cả quê gốc, mặc dù trên thực tế, nhiều người rất có thể đã không được sinh ra ở quê gốc của bố mẹ, hoặc có sinh ra nhưng đã rời khỏi quê gốc từ rất sớm. Nhiều người gắn bó với quê mới nhiều hơn với quê gốc.

Rất nhiều vị tiến sĩ khi đi thi thường phải khai theo nguyên quán, còn thực tế họ đã được sinh ra, lớn lên, ăn học và đỗ đạt ở một làng quê thuộc địa bàn Hà Nội ngày nay. Trường hợp anh em Thám hoa Vũ Thạnh, gốc làng Đan Loan, huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) song đã chuyển đến phường Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long từ lâu, ăn học tại Thăng Long.

Từ những căn cứ trên, giới nghiên cứu đưa ra hai giả thiết: Một là Bùi Quốc Khái có gốc gác từ làng Bình Lãng huyện Cẩm Giàng - sau định cư, sinh sống ở làng Bằng Liệt huyện Thanh Đàm. Hai là gia đình Bùi Quốc Khái có gốc gác ở Bình Lãng, song đã chuyển đến Bằng Liệt và Bùi Quốc Khái được sinh ra tại đây, ăn học và thi đỗ tại làng kề cận Thăng Long.

Vì thế mà dân làng và Hội Tư văn làng Bằng Liệt phụng thờ và tôn ông là bậc tiên hiền của xã. Văn bia và lời truyền khẩu ở địa phương đều cho biết di mộ của ông tại xứ Trung Đồng, nên có vị Trùm trưởng Tư văn làng mua đất dựng từ chỉ phụng thờ ông và Hội Tư văn cúng ruộng làm ruộng tế.

Bài liên quan
Phạm Phú Thứ - xứng danh hai lần đứng đầu khoa bảng
Hai lần đứng đầu khoa bảng (Giải nguyên), vào thi Đình – Phạm Phú Thứ đỗ luôn tiến sĩ cập đệ. Đời làm quan của ông nổi tiếng với những hoài bão và cải cách khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị tiến sĩ khai khoa đất Thăng Long