Ngoài ra, vitamin K cũng giúp cơ thể tạo ra các protein cần thiết cho quá trình đông máu, giúp vết thương nhanh liền, giảm nguy cơ loãng xương.
Bên cạnh đó, mùi tây chứa một lượng lớn vitamin C và beta-carotene, tiền chất của vitamin A rất tốt cho thị lực.
Bạc hà
Bạc hà vị cay the, mùi thơm mát, chứa các hợp chất flavonoid có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, được sử dụng rộng rãi để thêm hương vị hoặc mùi thơm cho xà phòng, mỹ phẩm, kem đánh răng, nước súc miệng và các sản phẩm khác.
Một nghiên cứu riêng biệt được công bố trên Tạp chí Liệu pháp bổ sung trong Y học của Mỹ vào tháng 1/2021 cho thấy, mùi hương của dầu bạc hà có thể làm giảm đáng kể tần suất buồn nôn và nôn ở những người đang hóa trị, phụ nữ mang thai.
Gừng
Gừng là thân rễ, một thân nằm ngang. Gừng có hương vị cay và ấm, thường được thêm vào các món ăn như súp, đồ nướng, cà ri.
Gừng có đặc tính chữa bệnh và từng được sử dụng trong các hệ thống y học cổ truyền. Gừng chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, tác dụng chống viêm và chống oxy hóa trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy rằng cả việc ăn gừng và bổ sung gừng đều có thể có lợi cho sức khỏe theo nhiều cách.
Tỏi
Tỏi nổi tiếng với những lợi ích sức khỏe và công dụng ẩm thực. Tỏi chứa các hợp chất thực vật giúp ức chế các protein tiền viêm liên quan đến chứng viêm mãn tính.
Tỏi có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm xơ vữa động mạch hoặc sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
Một nghiên cứu năm 2021 bao gồm thông tin về 4.329 người trưởng thành cho thấy, những người tiêu thụ tỏi sống từ một đến ba lần mỗi tuần có độ dày lớp nội mạc động mạch cảnh (cIMT) thấp hơn. CIMT là dấu hiệu sớm của xơ vữa động mạch và được sử dụng như một phép đo để đánh giá nguy cơ mắc bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch của một người.
Bạn có thể thêm tỏi sống vào chế độ ăn uống của mình bằng cách sử dụng tỏi băm nhỏ trong nước xốt salad, salsa, pesto.